NHNN Yêu cầu các ngân hàng báo cáo việc công khai lãi suất cho vay bình quân
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh dù chưa có chế tài với việc công khai lãi suất cho vay bình quân, song các ngân hàng cần thực hiện báo cáo về việc này nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, khách quan, minh bạch.
Nhiều ngân hàng chưa thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 tổ chức sáng 20-2, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đến 31-1-2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
NHNN cũng đã có công văn số 117 ngày 7-2-2024 yêu cầu ngân hàng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết trong tháng 1-1024, lãi suất bình quân cho vay VNĐ của BIDV giảm 0,25% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân hiện nay là 7,3%, riêng lãi suất ngắn hạn chỉ còn 6,7%, lãi suất cho vay trung dài hạn là 8%. Giảm tương đối sâu so với thời điểm giữa và cuối năm 2023. BIDV đã chủ động thông tin về mức lãi suất cho vay cũng như các sản phẩm dịch vụ ưu đãi trên webside của BIDV.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, còn nhiều ngân hàng chưa thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng nêu lên một số khó khăn và kiến nghị chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân, còn với khách hàng doanh nghiệp thì không nên công bố, chưa thực sự phù hợp, đề nghị NHNN có hướng dẫn quy định rõ hơn…
Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho hay lãi suất cho vay cũng tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập nên theo ông Thắng, chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân.
Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết NHNN đã có thông báo đề nghị các ngân hàng niêm yết lãi suất cho vay bình quân, công bố trên website của ngân hàng. Đề nghị các ngân hàng báo cáo lại việc thực hiện trước ngày 23-2, và nêu rõ các khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý xem xét và tháo gỡ cho phù hợp.
Tại cuộc họp ngày 18-12-2023, Thủ tướng đã kết luận, yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Ông Quang cho biết thời gian tới, khi NHNN tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức tín dụng, NHNN dự kiến sẽ lập một website, tại đó các tổ chức tín dụng gửi đường link việc công bố lãi suất bình quân liên kết với website của NHNN, từ đó bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch của các tổ chức tín dụng.
NHNN không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố chi tiết các nhóm khách hàng, các phân đoạn khách hàng, các chương trình tín dụng. Thẩm quyền và trách nhiệm công bố lãi suất cho vay bình quân hoàn toàn là của các NHNN.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh dù chưa có chế tài với việc công khai lãi suất cho vay bình quân, song các ngân hàng cần thực hiện báo cáo. Yêu cầu này nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, khách quan, minh bạch giữa các ngân hàng, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đánh giá.
Lãi suất không còn là rào cản trong vay vốn
Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm (cả huy động và cho vay) trở về mức trước COVID-19. Do đó, hiện mặt bằng lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay.
Năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.
"Khó khăn nhất là có khách hàng để cho vay hay không. Chưa bao giờ khách hàng vay vốn có điều kiện thuận lợi như thế này. Các ngân hàng cạnh tranh với nhau để cho vay"- ông Vượng khẳng định.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, cũng cho hay HDBank đã, đang từng bước giảm lãi suất cho vay và chuẩn bị giảm thêm 0,3-0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng. Cũng theo ông Thanh, lãi suất hiện nay không còn là rào cản đối với người đi vay mà quan trọng hơn là sức cầu của thị trường.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho hay, lãi suất đã và đang giảm dần, cả với lãi suất cho vay nên không phải là vấn đề lớn đối với người cần vốn mà quan trọng là đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua còn yếu.
Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Duy chỉ một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay.
Thanh Cao