KOL, KOC phải dùng, hiểu rõ sản phẩm, dịch vụ mới được quảng cáo
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, người có ảnh hưởng khi quảng cáo phải sử dụng hoặc hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Sáng 10/5, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng cho biết, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan soạn thảo đã ghi nhận tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ và các đoàn đại biểu, thực hiện đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tránh trùng lặp với các luật hiện hành, nhằm đơn giản, cô đọng và dễ hiểu.
Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC), bởi thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Dự thảo Luật đã làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quảng cáo, bao gồm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, người có tầm ảnh hưởng, cũng như quy định về quảng cáo trên nền tảng số.
Khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” được mở rộng, bao gồm hai nhóm: một là những người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị hoặc xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; hai là những người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, vẽ, sử dụng với mục đích sinh lợi hoặc qua các hình thức khác do Chính phủ quy định. Việc bổ sung “khuyến nghị” và “xác nhận” nhằm ngăn ngừa tình trạng người chuyển tải quảng cáo né tránh trách nhiệm bằng cách nói là chỉ chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Dự thảo cũng giải thích rõ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng” (KOL, KOC). Theo đó, đây là những chuyên gia, người có uy tín hoặc được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi tham gia trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc các hình thức khác.
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị áp chế tài nghiêm khắt với người có ảnh hưởng vi phạm quy định về quảng cáo, như cấm tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh, mạng xã hội hoặc buộc công khai xin lỗi. Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về nghĩa vụ của nhóm này.
Theo đó, ngoài các nghĩa vụ chung của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có ảnh hưởng còn phải: xác minh độ tin cậy của bên quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; nếu chưa từng sử dụng hoặc chưa hiểu rõ thì không được giới thiệu; đồng thời phải thông báo trước với người tiếp nhận về việc thực hiện hoạt động quảng cáo. Những quy định mới này nhằm tăng trách nhiệm và tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết đã loại bỏ quy định yêu cầu người quảng cáo phải trực tiếp sử dụng sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm chức năng trên mạng xã hội vì khó khả thi và khó kiểm soát.
Minh Thành