Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm vi phạm
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm, xử lý nghiêm với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm vi phạm.
Qua việc kiểm tra hạ tầng thông tin và các bài đăng trên mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã phát hiện một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm về chất lượng, công dụng sản phẩm.

Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân nổi tiếng, những người đã tham gia quảng cáo các sản phẩm vi phạm, theo đúng quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh rằng các hoạt động quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo thông tin rõ ràng, chính xác, không gây hiểu nhầm về công dụng và chất lượng sản phẩm. Việc quảng cáo sai lệch không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm giảm niềm tin vào các sản phẩm thực phẩm hợp pháp.
Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ, hoa hậu, người nổi tiếng hay các KOLs, influencers (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã tham gia quảng bá, thổi phồng công dụng, chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thậm chí còn quảng cáo cho nhiều sản phẩm giả.
Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định Số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 60-80 triệu đồng.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung), trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.
Thực hiện kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xử phạt tổng cộng 87 cơ sở với số tiền lên đến 16,858 tỷ đồng, trong khi các cơ quan chức năng tại địa phương đã xử phạt 20.881 cơ sở với tổng số tiền lên đến 123,84 tỷ đồng
Theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương và các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế tăng cường việc lấy mẫu giám sát và cảnh báo cộng đồng về những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời thông tin vi phạm sẽ được công khai trên website của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương để kiểm soát các sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường, đặc biệt qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến...