0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Chủ nhật, 27/10/2024 06:37 (GMT+7)

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị

Theo dõi KT&TD trên

Theo quy định mới ban hành của UBND Thành phố Hà Nội, những mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m², cùng với mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m so với chỉ giới xây dựng sẽ không còn được tồn tại.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/10 và được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo – một vấn đề nóng trong quản lý đô thị suốt nhiều năm qua.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Cơ sở pháp lý từ Quyết định 61 của UBND Thành phố Hà Nội giúp các quận nội thành sẽ không có những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.

Nhiều trường hợp không đủ điều kiện tồn tại

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dọc các tuyến đường đã được mở rộng như Trường Chinh, Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Vũ Trọng Phụng… xuất hiện “nhan nhản” những ngôi nhà siêu mỏng. Thực tế cho thấy, phần lớn các nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn lại sau quá trình giải phóng mặt bằng có diện tích chỉ từ vài mét vuông đến dưới 30m². Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, khi diện tích quá nhỏ hẹp khiến kết cấu của những ngôi nhà này không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Một cửa hàng trên đường Trường Chinh chỉ đủ diện tích để bày bán hàng hóa.

Một ví dụ điển hình là gia đình ông N.N.K, hộ dân duy nhất còn lại sau dự án mở rộng ngõ 102 đường Trường Chinh. Căn nhà của ông từng có diện tích 63m², nhưng hiện tại chỉ còn lại 9m². Với ba người trong gia đình, họ buộc phải từ bỏ hầu hết đồ đạc. Số tiền đền bù khoảng 70 triệu đồng không đủ để ông tìm một chỗ ở mới. Ông K chia sẻ: “Nhà tôi cứ chơ vơ ở đây, không có nước, không có điện. Từ năm 2016-2017, tôi phải đi nhờ điện của hàng xóm. Phần còn lại chỉ là nhà vệ sinh bị cắt lại, còn trên đó tôi chỉ có thể dựng tôn lên, không được xây dựng thêm”.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Chiều sâu chỉ 1m, nhưng nhờ mặt tiền rộng, căn nhà vẫn được sử dụng để kinh doanh và hiện đang treo biển cho thuê.

Cũng trên tuyến đường Trường Chinh, có một căn nhà với mặt tiền 3m nhưng chiều sâu chỉ 1m. Dù “siêu mỏng” nhưng nhờ mặt tiền rộng, căn nhà vẫn được sử dụng để kinh doanh và hiện đang treo biển cho thuê. Thậm chí, phần tường của căn nhà này còn được gắn biển “Ngõ 5 Trường Chinh”, khiến nhiều người dễ hiểu nhầm đây chỉ là bức tường của một con ngõ. Hay căn nhà số 212 nằm ngay mặt đường; sau khi thu hồi đất để mở rộng đường, chiều rộng thực tế của nó chưa đến 1m. Mặc dù mặt tiền đã được chủ nhà chia nhỏ để cho thuê kinh doanh, nhưng thực sự khó có thể sinh sống trong diện tích hạn chế như vậy.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Căn nhà 4 tầng ngay mặt phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng) chỉ có diện tích vỏn vẹn 4m².

Ngoài ra, một căn nhà 4 tầng ngay mặt phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng) chỉ có diện tích vỏn vẹn 4m², mỏng đến mức dễ dàng bị nhầm lẫn với một bức tường hoặc cột điện nếu không chú ý. Theo quan sát của phóng viên, bên trong căn nhà, diện tích chỉ vừa đủ để bố trí cầu thang bộ lên các tầng, gần như không còn không gian thừa để bày biện đồ đạc. Trên tầng 3, lối đi chỉ đủ cho một người di chuyển, cho thấy rõ sự chật chội và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Diện tích ngôi nhà chỉ vừa đủ để bố trí cầu thang bộ lên các tầng, gần như không còn không gian thừa để bày biện đồ đạc.

Chủ nhà cho biết hiện bà đang sinh sống tại tầng 3 và mở quán trà đá ở mặt tiền căn nhà “cho vui”, sau khi kinh doanh đồ ăn nhanh không còn hiệu quả. Bà cũng tiết lộ rằng gần đó, bà sở hữu hai căn nhà siêu mỏng khác. Một căn có diện tích lớn hơn được cho thuê để kinh doanh ăn uống với giá 10 triệu đồng/tháng, trong khi căn nhỏ hơn được cho thuê làm cửa hàng sửa chữa điện thoại với giá 8 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với phóng viên, các hộ dân ở đây cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi mở đường, Nhà nước không thu hồi hết các thửa đất nhỏ, lẻ không đủ tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng hai bên đường. Trong khi đó, phần lớn những hộ dân có phần đất nhỏ lẻ này chỉ nhận được tiền đền bù cho phần đất đã bị giải phóng mặt bằng mà không được tái định cư.

Quyết tâm xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo

Trong nỗ lực để xóa bỏ tình trạng này, vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 61. Theo đó, từ ngày 7/10/2024, những mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m², cùng với mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m so với chỉ giới xây dựng, sẽ không được phép tồn tại. Thay vào đó, các mảnh đất này phải được hợp thửa, hợp khối với các diện tích liền kề hoặc sẽ được giao lại cho địa phương quản lý.

Việc quy định rõ ràng các tiêu chí và điều kiện về diện tích, hình dáng đất được phép xây dựng không chỉ giúp các địa phương xác định, lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện các dự án mở rộng hạ tầng giao thông mà còn chủ động trong xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng ngay từ ban đầu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, quyền lợi và sự đồng thuận của người dân cũng là điều cần được tính đến.

Dự án đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy đã thu hồi đất của 485 hộ, trong đó có 25 trường hợp có diện tích nhỏ hơn 15m². Những mảnh đất này đã được đánh dấu chờ xử lý, trong khi chính quyền địa phương đang tích cực vận động các hộ dân hợp thửa hoặc tự tháo dỡ.

Đường Nguyễn Tuân hiện đang thực hiện giải phóng mặt bằng, là dự án đầu tiên thực hiện Quyết định 61 của UBND thành phố. Đường Nguyễn Tuân mở rộng có điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi và điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân, với tổng chiều dài lên đến 720m. Tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang 21m, bao gồm phần lòng đường rộng 15m và hai bên lề rộng 3m.

Để thực hiện dự án này, đến nay đã có 11 tổ chức và 160 hộ gia đình, cá nhân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Trong số này, có những diện tích không đủ điều kiện để xây dựng theo quy định mới.

Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị
Thông qua Quyết định 61, nhiều người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn, bao gồm việc tăng cường mức đền bù và cung cấp thêm thông tin về các khu vực tái định cư.

Ông N.V.N (phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Có những nhà chỉ rộng 3m, sâu 4m, hoặc sâu chỉ 2m nhưng trải dài đến 7, 8m. Điều này thật sự rất khó khăn, bởi nhu cầu cuộc sống của mỗi người cần phải được đảm bảo để có chỗ kinh doanh và bày bán trên mặt phố. Tôi hy vọng chính sách mới sẽ giúp đỡ người dân và tất cả cùng đồng lòng thực hiện các quy định một cách rõ ràng”.

Ông Bùi Đức Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân cho biết: “Diện tích nhỏ hơn 15m² và các cạnh tường nhỏ hơn 3m sẽ được phép cưỡng chế thu hồi. Trong trường hợp thứ hai, sau khi giải phóng mặt bằng, nếu diện tích đất còn lại không có đường vào và không đủ điều kiện tách thửa theo quy định, thì quận Thanh Xuân cũng sẽ tổ chức thu hồi. Tất nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng yêu cầu của Thành phố và tiếp tục vận động để người dân tự nguyện cho phép thu hồi đất, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể với Thành phố”.

Khi hoàn thành, đường Nguyễn Tuân được kỳ vọng không chỉ giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần chỉnh trang cảnh quan khu vực, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc loại bỏ những căn nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ là tiền đề cho Thành phố Hà Nội tạo ra những chuyển biến tích cực trong thiết kế đô thị và quản lý trật tự xây dựng. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sống cho cư dân mà còn cải thiện bộ mặt Thành phố. Bằng cách thực hiện các quy định rõ ràng và lắng nghe ý kiến người dân, Hà Nội sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một đô thị hiện đại, đồng bộ và bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo là bước tiến quan trọng trong quản lý đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vì sao giá bất động sản vẫn không ngừng tăng?
Giá bất động sản tại Việt Nam vẫn liên tục tăng cao, bất chấp những biến động kinh tế và nỗ lực điều chỉnh từ Chính phủ. Đằng sau sự leo thang này là sự khan hiếm quỹ đất tại các đô thị lớn, chi phí xây dựng tăng cao, nhu cầu nhà ở bền vững và tâm lý đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn CIENCO4
Ngày 29/10/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 1180/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Quyết định số 1181/QĐ-KPHQ về việc buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Công ty)
Kiểm tra, tạm giữ hàng nghìn chiếc vợt Pickleball nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ kinh doanh
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, tạm giữ 3.337 chiếc vợt, bóng và dụng cụ pickleball nhập lậu và 393 chiếc vợt, bóng, túi đựng vợt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Vụ việc đang được chuyển cho cơ quan điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh
Liệu còn dư địa để giá vàng tiếp tục tăng?
Giá vàng thế giới trong năm 2024 đã ghi nhận những biến động mạnh mẽ khi các yếu tố tác động như chính sách lãi suất của Fed, suy suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia lớn và căng thẳng địa chính trị đều làm nổi bật sức mạnh hấp dẫn của vàng như một tài sản ẩn an toàn.
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 31/10/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 24/10/2024 - 30/10/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: xung đột tại khu vực Trung Đông, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, OPEC+ có thể hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp diễn,…