0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 16/12/2023 08:26 (GMT+7)

Hà Nội phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Theo dõi KT&TD trên

Với mục tiêu kiểm soát chất lượng nông sản, ổn định đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đẩy mạnh xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến xây dựng chuỗi nông sản an toàn.

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hiểu là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn.

Xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sẽ góp phần tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tạo nên mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được hưởng lợi ích. Trong chuỗi này, các đơn vị sản xuất sẽ được bảo đảm đầu ra cho nông sản, tránh được rủi ro trước biến động của thị trường, các đơn vị kinh doanh có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết, chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm định, cấp chứng nhận.

Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế tham quan nên nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố là rất lớn. Ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố như sau: Gạo khoảng 96.650 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.500 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.420 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu cùng sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hà Nội có trên 250 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và tại các tỉnh, thu mua nguyên liệu các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt gần 1.7 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 975 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Hà Nội phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Ngành chức năng thành phố tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020). 100% số chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó, 40% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO22000, hữu cơ. Các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản cho thành phố Hà Nội có khả năng cung ứng trên 92.623 tấn rau, củ, quả/tháng, trên 13.198 tấn thịt/tháng; trên 31,3 triệu quả trứng/tháng; trên 11.350 tấn thủy sản/tháng; trên 232.522 tấn gạo, lương thực, nông sản khác/tháng.

Về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2023, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố đảm bảo ATTP; tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền là 185 triệu đồng.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống duy trì quản lý cho 3.430 cơ sở với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc, trong đó, liên kết với sản phẩm của 48 tỉnh, thành phố với trên 2.000 sản phẩm của 457 cơ sở. Ngoài ra, các tỉnh và Hà Nội còn triển khai hiệu quả công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và phát triển chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật.

Trong năm 2023 nhiều địa phương đã cung cấp về Hà Nội với số lượng lớn như tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Nam Định cung cấp trên 35.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm; tỉnh Tiền Giang cung cấp khoảng 15% sản lượng trái cây của tỉnh cho thị trường Hà Nội với trên 200.000 tấn...

Hà Nội phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Thành phố Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vẫn còn khó khăn như: Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao, việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất đôi khi chưa chặt chẽ. Các chuỗi và số lượng sản phẩm nông sản được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương chưa được quan tâm, chưa có nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP...

Để nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung phối hợp với một số tỉnh, thành phố có lượng sản phẩm lớn đưa về Hà Nội tổ chức kết nối trực tiếp giữa vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh, thành phố và cơ sở chế biến, kinh doanh, hệ thống phân phối thực phẩm của Hà Nội nhằm hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo chuẩn quốc tế, tư vấn cho thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; duy trì chương trình giám sát các sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên diện rộng; cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; tiếp tục phát triển, duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội.

Thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng phần mềm hệ thống thông tin dùng chung của các đơn vị thuộc Bộ, địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, cung - cầu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm và các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản trên toàn quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố.

Đối với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai kế hoạch, chương trình phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và công tác phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội; tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Hồng Nhung

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

5 Tiệm bánh Trung thu nức tiếng Hà thành
Dù bánh Trung thu hiện đại với muôn vàn hương vị mới lạ ngày càng phổ biến, những thương hiệu bánh truyền thống tại Hà Nội vẫn giữ vững vị thế, thu hút đông đảo thực khách mỗi độ thu về.
Uống trà xanh như thế nào để có sức khỏe tốt?
Trà xanh là một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày và đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Uống trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, nó cũng có thể gây hại.
Mưa lớn kéo dài, giá rau xanh tăng vọt
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay khiến giá rau tại các chợ trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá. Trong đó, các loại rau ăn lá và rau gia vị có mức giá tăng mạnh nhất.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.