0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 13/11/2024 15:37 (GMT+7)

Được ưu ái, BĐS 'hút' 3,15 triệu tỷ đồng tiền vốn từ ngân hàng

Theo dõi KT&TD trên

Chỉ trong vòng 1 quý, dư nợ cho vay bất động sản đã tăng vọt, lên 3,15 triệu tỷ đồng. Thị trường bất động sản vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào dòng vốn tín dụng trong bối cảnh thị trường trái phiếu chưa hồi phục và nhu cầu mua nhà của người dân chưa cao.

Bất động sản được ngân hàng “ưu ái”

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) mới đây, ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc Khối xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating nhận định, bất động sản là một trong những ngành nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ phía cơ quan chính phủ và hệ thống ngân hàng khi gặp khó khăn.

“Trong năm 2023, khi thanh khoản thị trường thấp, nhu cầu mua nhà thấp thì ngành ngân hàng đã có nhiều sự hỗ trợ cho thị trường bất động sản thông qua việc thúc đẩy cho vay. Tính đến thời điểm này của năm 2024, tín dụng kinh doanh bất động sản cũng đã tăng khoảng 15 – 16%”, ông Hiếu dẫn chứng.

Trước đó, trong Giải trình trước Quốc hội về báo cáo giám sát thị trường bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2023.

Tốc độ này cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế (9%) và chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Ngoài ra, dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng 16% so với đầu năm, cao hơn so với tín dụng bất động sản tiêu dùng (tăng 4,6%).

Trong khi trước đó, tính đến quý II/2024, dư nợ cho vay bất động sản chỉ tăng 4,6%, với tín dụng kinh doanh tăng 10,29% và tín dụng tiêu dùng tăng 1,15%.

Được ưu ái, BĐS 'hút' 3,15 triệu tỷ đồng tiền vốn từ ngân hàng
Dư nợ cho vay bất động sản tăng vọt sau 1 quý.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản được thể hiện rõ nét trong bức tranh tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng sau 3 quý đầu năm 2024.

Là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành (20,8%), dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank đạt 209.709,5 tỷ đồng, tăng 18,6% trong 9 tháng năm 2024. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 31,9% tổng dư nợ tín dụng tại Techcombank, trở thành nhóm ngành có tỷ trọng dư nợ lớn nhất trong danh mục cho vay của ngân hàng này.

Cùng kỳ, tại SHB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt 84.481 tỷ đồng, chiếm 17,57% tổng dư nợ vay của ngân hàng, chỉ sau mảng bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Ở nhóm ngân hàng chuyên cho vay khách hàng cá nhân, dư nợ cho vay bất động sản tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Tại VIB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 9 tháng năm 2024 đạt 6.278 tỷ đồng, tăng 275% so với đầu năm. Tại TPBank, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 20% tính đến ngày 30/9/2024.

Tại VPBank, nếu chỉ tính riêng mảng kinh doanh bất động sản, dư nợ cho vay đạt 164.906,8 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm và chiếm 25,96% tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, dư nợ cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở cũng chiếm 13,48% tổng dư nợ cho vay, đạt 85.649,3 tỷ đồng so với đầu năm.

Với một số ngân hàng khác, dư nợ cho vay bất động sản cũng tăng trưởng mạnh, đơn cử như Kiên Long Bank (tăng 172%), BVBank (tăng 27,4%),…

Việc nguồn vốn của thị trường bất động sản vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự khởi sắc.

Ngoài nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp và từ khách hàng. Tuy nhiên, sau những lùm xùm của nhiều doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản tại thị trường này vẫn chưa sôi động trở lại.

Theo thống kê của VIS Rating, con số phát hành trái phiếu mới trong năm nay của nhóm ngành bất động sản giảm 30% về khối lượng và số lượng các tổ chức phát hành. Ngoài ra, trái phiếu vẫn đang là rủi ro lớn nhất của thị trường bất động sản khi tổng khối lượng trái phiếu bất động sản chậm trả đạt khoảng hơn 115.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả của toàn thị trường.

Trong khi đó, nguồn vốn của người mua nhà mới chỉ tăng trở lại những tháng gần đây, được thể hiện qua tín dụng cho vay tiêu dùng bất động sản. Những tháng đầu năm 2024, cho vay tiêu dùng bất động sản thậm chí tăng trưởng âm tại nhiều ngân hàng và mới chỉ bật tăng trở lại kể từ quý II/2024, lên 4,6% vào cuối quý III/2024.

Đa dạng nguồn vốn cho bất động sản

Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Huy, Trường Đại học Nguyễn Trãi, việc tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng nợ xấu ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản có đặc điểm vốn đầu tư lớn với thời hạn dài. Do vậy, vốn đầu tư bất động sản phải nên được huy động từ nhiều kênh, và vốn của các ngân hàng chỉ là một kênh trong đó.

Được ưu ái, BĐS 'hút' 3,15 triệu tỷ đồng tiền vốn từ ngân hàng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng vốn đầu tư bất động sản phải nên được huy động từ nhiều kênh.

Trong bản kiến nghị chính sách phát triển thị trường bất động sản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, GS - TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng Việt Nam cần phát triển dòng vốn từ trái phiếu bất động sản.

“Bộ Tài chính cần rà soát tình trạng tài chính (bao gồm tài sản, nợ, dòng tiền) của các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đang gặp khó khăn nhằm hỗ trợ, theo dõi các biện pháp thực hiện các nghĩa vụ nợ trong thời gian tới. Với trái phiếu bất động sản đăng ký phát hành mới, các cơ quan quản lý giám sát cần tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp khối lượng lớn”, bản kiến nghị nêu rõ.

Song song với đó, đại diện NEU cũng khuyến nghị thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy và thu hút nguồn vốn đầu tư nước vào lĩnh vực bất động sản, tái cấu trúc nguồn vốn, đẩy mảnh M&A dự án bất động sản với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cần khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các Quỹ đầu tư bất động sản để đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho thị trường, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Quay trở lại với kênh tín dụng ngân hàng, GS - TS Phạm Hồng Chương cho rằng việc mở rộng tín dụng cần đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án bất động sản nhà ở cao cấp. "Thay vào đó, các ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân", đại diện NEU khuyến nghị.

Khánh Tú

Bạn đang đọc bài viết Được ưu ái, BĐS 'hút' 3,15 triệu tỷ đồng tiền vốn từ ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nỗ lực gỡ khó cho “giấc mơ an cư” tại nhà ở xã hội
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hà Tĩnh: Thanh tra dự án Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công văn số 6588/UBND-KT2 giao Thanh tra tỉnh, UBND huyện Nghi Xuân và các Sở liên quan về việc thanh tra dự án Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội, do Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng An Giang Dragon Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực đất đai, khoáng sản
Phát biểu làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật;
Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội
Trong bối cảnh giá nhà ở ngày càng tăng cao, việc tiếp cận nhà ở xã hội (NOXH) trở thành một vấn đề cấp bách đối với người lao động có thu nhập thấp. Để giúp người lao động có cơ hội sở hữu chỗ ở ổn định, các chính sách và biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh và đồng bộ hóa
Cần Thơ Xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký ban hành Công văn số 4991/UBND-XDĐT về việc khẩn trương triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng.

Tin mới

Hai nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì giao dịch “chui”
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vừa ra quyết định xử phạt hành chính ông Hoàng Minh Anh Tú và bà Trần Thị Thùy Dương, với mức tiền phạt 187,5 triệu đồng do các vi phạm không đăng ký chào mua cổ phiếu ALT công khai theo quy định; không báo cáo về việc dự kiến giao dịch đối với cổ phiếu SMT.
SeABank tiếp nối hành trình vì cộng đồng với “Tuần lễ công dân 2024” tại 28 tỉnh thành trên cả nước
Trong 3 tuần triển khai (từ 15/10 - 8/11), “Tuần lễ công dân 2024” của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa tại 25 bệnh viện/trường học/trung tâm bảo trợ, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại 2 bãi biển, trồng mới hơn 2.000 cây xanh tại 28 tỉnh thành phố trên cả nước.
Câu chuyện về thị trường trà detox và sức khỏe
Những năm gần đây, trà detox đã trở thành một phần không thể thiếu trong xu hướng chăm sóc sức khỏe của nhiều người. Với khả năng giải độc cơ thể, thanh lọc và cải thiện sức khỏe, trà detox đã chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng.
Bài toán nan giải từ rác thải nhựa ngành F&B
Sự phát triển nhanh chóng của ngành F&B, với sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh, đã mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng kéo theo một hệ lụy đáng lo ngại: lượng rác thải nhựa khổng lồ từ bao bì dùng một lần.
Vì sao chỉ hơn 2 năm từ khi chuyển sang thuần điện, VinFast đã là số 1 tại Việt Nam?
Giới chuyên gia nhìn nhận, mốc son lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi hãng xe nội địa VinFast vượt lên hết tất cả các hãng xe ngoại để trở thành số 1 thị trường, đến từ chiến lược nhất quán về sản phẩm tốt nhất, mức giá tốt nhất, cùng chính sách hậu mãi xuất sắc nhất.
Nỗ lực gỡ khó cho “giấc mơ an cư” tại nhà ở xã hội
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.