Đồng Nai: Cần xây dựng lộ trình phù hợp phát triển kinh tế ban đêm
Đồng Nai được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế ban đêm ở Đồng Nai cũng mới chỉ khai thác được một phần nhỏ, do đó cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp, dài hơi.
Nhiều năm trở lại đây, sau một thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, những chương trình hội chợ kết nối cung - cầu đã được triển khai trở lại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, có nhiều hội chợ quy mô lớn kết hợp chương trình ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc thu hút khá đông người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm vào khung giờ từ 18-21 giờ. Kinh tế ban đêm ở Đồng Nai chủ yếu mới phát triển được một số loại hình như: chợ đêm, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, một số hội chợ về ẩm thực, thương mại…
Tại một số địa phương như TP.Biên Hòa đã có các phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, khu ẩm thực đêm được người dân, nhất là giới trẻ tìm đến như: chợ đêm Biên Hùng, khu ăn vặt A42, khu sân vận động Đồng Nai, khu công viên 30-4…
Theo đại diện Ban Quản lý chợ đêm Biên Hùng (TP.Biên Hòa), chợ đêm đã đi vào hoạt động khoảng 18 năm nay. Hiện chợ có 126 sạp đang hoạt động, bao gồm các gian hàng ẩm thực, kinh doanh quần áo, giày dép... Thời gian hoạt động từ 17 giờ đến trước 24 giờ hàng ngày. Từ đầu năm nay, UBND TP.Biên Hòa cho tháo dỡ dải phân cách trên đường 30-4, điều này cũng tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút khách vào chợ, nhất là vào dịp cuối tuần.
Một chủ một sạp kinh doanh quần áo tại chợ đêm Biên Hùng chia sẻ, ông đã kinh doanh tại chợ đêm Biên Hùng hơn 10 năm nay, phân khúc khách hàng mà sạp ông hướng tới là sinh viên, công nhân, người lao động với các sản phẩm ở mức giá bình dân. Lượng khách tại chợ đêm tập trung nhộn nhịp dịp cuối tuần với doanh thu trung bình khoảng vài triệu đồng mỗi đêm trong dịp cao điểm mua sắm.
Với tốc độ phát triển kinh tế khá năng động, vị trí địa lý gần với TP.HCM và sắp tới khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế ban đêm ở Đồng Nai cũng mới chỉ khai thác ở một vài góc độ nhỏ, cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp, dài hơi.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nai Factory (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, để thực sự phát huy những tiềm năng, lợi thế về dịch vụ kinh tế đêm tại địa phương, các dịch vụ, loại hình ẩm thực, giải trí, du lịch cần phát triển đồng bộ, đa dạng đảm bảo an ninh, an toàn.
Hơn thế nữa, phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần níu chân khách du lịch, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm du lịch ở địa phương bởi trên thực tế, “hầu bao” của khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, phần lớn được chi tiêu vào các sản phẩm du lịch về đêm.
“Tôi có nhiều dịp công tác, du lịch ở nước ngoài như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và được trải nghiệm đa dạng loại hình ẩm thực, thương mại, âm nhạc, giải trí về đêm tại các quốc gia này. Tôi nhận thấy Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm.
Trong đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, nhiều đặc trưng về du lịch, ẩm thực…, góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế đêm như các nước đã triển khai. Ngoài ra, các đô thị như TP.Biên Hòa có thể mở thêm nhiều khu ẩm thực, phố đi bộ gắn với các chương trình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách”, ông Tuấn thông tin thêm.
Về vấn đề này, phó trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, nhiều địa phương đã triển khai các địa điểm phát triển du lịch về đêm, các khu ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ… Tuy nhiên, để phát triển kinh tế đêm xứng tầm thì cần có đề án triển khai cụ thể, đảm bảo các quy định về an toàn, an ninh, quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh…
Theo nhiều chuyên gia, phát triển kinh tế đêm đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp tổng thể phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú đến các loại hình dịch vụ, địa điểm kinh doanh ẩm thực, giới thiệu những đặc sản của địa phương; cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi… để phục vụ người dân trong tỉnh, du khách và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại địa phương.
Thanh Vũ