Đồng Nai: Hàng loạt khu glamping xây dựng trái phép
Làm lều trại ven vùng lòng hồ, trên đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng, hàng loạt khu du lịch sinh thái dưới hình thức cắm trại (du lịch glamping) đã và đang phát triển mạnh tại tỉnh Đồng Nai.
Việc phát triển tự phát, mô hình du lịch này đã và đang “băm nát” quy hoạch, khiến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng thêm khó khăn.
Lều trại trái phép từ triền đồi xuống ven hồ
Khoảng vài năm trở lại đây, các khu vực triền đồi, vùng ven hồ Trị An thuộc địa bàn huyện Định Quán và Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai nở rộ mô hình du lịch cắm trại (glamping). Loại hình du lịch này thu hút không ít du khách có nhu cầu trải nghiệm.
Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các sơ sở kinh doanh loại hình du lịch glamping đều hoạt động tự phát theo phong trào, chưa được cơ quan chức năng hỗ trợ các vấn đề pháp lý về kinh doanh, xây dựng. Theo tìm hiểu của phóng viên, gần như các khu glamping đều được xây dựng trên đất nông nghiệp, vùng bán ngập lòng hồ Trị An, cá biệt một số khu còn làm cả trên đất rừng sản xuất.
Điển hình như tại hai thửa đất số 30 (diện tích 12.130m2) và thửa số 36 (diện tích 7.835m2) đều thuộc tờ bản đồ số 33, xã La Ngà, huyện Định Quán, mục đích sử dụng cây lâu năm, quy hoạch sử dụng đất 2030 đất trồng cây lâu năm kết hợp đất ở tại nông thôn. Tại đây, phóng viên ghi nhận một khu glamping được xây dựng hoành tráng với khoảng 17 khu lều trại ngay triền đồi hướng về hồ Trị An có tên gọi Panorama Glamping. Đa số các lều được cố định bởi các mố trụ sắt, một số lều trại còn có khu vệ sinh khép kín, máy điều hòa. Khu glamping còn có 1 khu kinh doanh ăn uống.
Khách khi đến đây phải bỏ số tiền 80 nghìn đồng để mua vé tham quan và miễn phí 1 ly nước uống theo yêu cầu. Khách muốn thuê lều trại để trải nghiệm sẽ có giá dao động từ 1,2-1,7 triệu đồng/lều/ngày đêm tùy vào ngày thường hoặc cuối tuần. Do nằm gần vùng lòng hồ, khu glamping còn cho khách thuê dịch vụ chèo sub với giá 300 nghìn đồng/người.
Theo các hộ dân gần đó, khu glamping này được xây dựng khoảng 2 năm nay. Trước đó, khu vực này trồng một số loại cây ăn trái.
Cách đó khoảng 40km, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu được xem là “thủ phủ” glamping. Chỉ riêng khu vực ấp 1 và ấp 3 đã có không dưới 30 khu glamping mọc lên sát ven vùng lòng hồ Trị An. Trong đó có những khu glamping với diện tích lớn như tại thửa đất 28, tờ 91 (diện tích 12.417m2), mục đích sử dụng ở nông thôn, cây lâu năm; quy hoạch sử dụng đất 2030 là đất trồng cây lâu năm kết hợp đất ở tại nông thôn đất công trình năng lượng, đất có mặt nước chuyên dùng. Khu này có tên là LAC glamping với khoảng gần 20 lều trại. Theo ghi nhận của phóng viên, khu glamping này có dấu hiệu của việc bao chiếm vùng ven hồ Trị An. Một số lều được đóng cọc xuống lòng hồ để cố định.
Tại ấp 1 gần với bến phà Mã Đà có một số khu glamping nằm san sát nhau như: The Emma glamping - Hoa Phượng (thửa đất số 59, tờ bản đồ 99, diện tích 10.202m2, mục đích sử dụng cây lâu năm, quy hoạch sử dụng đất 2030 đất có mặt nước chuyên dùng). Gió Trị An glamping (Thửa 53, diện tích 3.378m2; thửa 34, diện tích 2.705m2 đều cùng tờ bản đồ số 99, mục đích sử dụng ở nông thôn, cây lâu năm; quy hoạch sử dụng đất 2030 đất trồng cây lâu năm kết hợp đất ở tại nông thôn, đất có mặt nước chuyên dùng.
Qua quan sát của phóng viên, các khu glamping này đều có dấu hiệu bờ bao quanh khu vực lòng hồ Trị An để chiếm dụng mặt nước kinh doanh và xây dựng trên đất không phù hợp với quy hoạch.
Theo bản đồ quy hoạch Đồng Nai, khu du lịch sinh thái tên gọi Napy Garden cũng ở xã Mã Đà xây dựng ngay trên một phần đất rừng sản xuất tại các thửa đất số 35, 36, 37, 38, 39, 40, tờ bản đồ số 84, quy hoạch sử dụng đất 2030 là đất xây dựng cơ sở văn hóa cũng có quy mô khá lớn, hoạt động rầm rộ với lượng khách đến trải nghiệm vào dạng “khủng” mỗi cuối tuần.
Cần mạnh tay xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, gần như các khu glamping hiện nay tại khu vực huyện Vĩnh Cửu, Định Quán đều được xây dựng không phù hợp về quy hoạch đất đai hiện hành.
Đặc biệt, tại khu vực ven Hồ Trị An, khoảng hai năm trở lại đây, du lịch sinh thái glamping bùng phát ở các xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); xã La Ngà (huyện Định Quán). Hàng chục điểm du lịch sinh thái trái phép mọc lên, vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm vùng đất bán ngập hồ Trị An, ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường và nguồn nước. Theo Quy chế bảo vệ hồ Trị An ban hành năm 1995, các tổ chức, cá nhân sẽ không được phép xây dựng công trình cũng như làm thay đổi kết cấu ban đầu của toàn bộ khu vực lòng hồ.
Tình trạng các khu glamping đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa” khiến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng thêm phức tạp, để lại nhiều hệ lụy.
Để có thông tin đa chiều về việc trên, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Đức Sơn – Chủ tịch UBND xã Mã Đà, ông này cho biết đang đi học và đã ủy quyền lại cho ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã. Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nam, thì ông này cho biết, không phải người phát ngôn báo chí, cũng không phụ trách lĩnh vực du lịch nên không trả lời. Khi phóng viên hỏi vấn đề này liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đất đai (ông Nam – Phó Chủ tịch phụ trách), thì ông này trả lời: “Họ chỉ dựng mấy cài lều thôi, sang tuần đợi anh Sơn về rồi mình làm việc”.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã La Ngà thì khẳng định, gần như các công trình glamping trên địa bàn xã đều đã bị xử phạt vi phạm hành chính. “Phần lớn các khu glamping đều làm tiền chế. Hiện nay, địa phương đang chờ cơ chế từ trên để xử lý”, ông Hiếu nói.
Không phủ nhận việc các khu glamping được xây dựng đã mang lại một loại hình du lịch mới mẻ cho địa phương vùng nông thôn. Tuy nhiên, với việc phát triển “nóng” và hiện cũng chưa có một quy chuẩn, quy định nào liên quan đến các hướng dẫn xây dựng trên đất nông nghiệp, để làm du lịch thì địa phương cần phải quản lý chặt chẽ, mạnh tay xử lý các khu glamping xây dựng trái phép với quy mô lớn.
Bên cạnh việc xây dựng trái phép trên đất không phù hợp quy hoạch, các khu glamping còn tổ chức bán vé, tổ chức lưu trú, các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự, an toàn đuối nước… những vấn đề này cũng được dư luận quan tâm.