Quảng Trị: Hàng loạt điểm du lịch nghỉ dưỡng xây dựng trái phép
Thời gian gần đây, hàng loạt điểm du lịch nghỉ dưỡng “mọc” lên tự phát với nhiều công trình xây dựng trái phép trên vùng núi rừng huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nhưng các cơ quan chức năng huyện Hương Hoá vẫn ngoài cuộc?
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được cấp chủ trương đầu tư, chưa cấp giấy phép xây dựng… nhưng, nhiều chủ hộ đã bất chấp pháp luật, tự phát xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng với hàng nghìn mét vuông tại mỗi điểm.
Chúng tôi có chuyến đi đến một số điểm du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, cách thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hoá) khoảng 3km đi về hướng Bắc, có một con hẻm bằng đất cấp phối, bề rộng vừa đủ lọt xe ôtô (con hẻm là kiệt của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ở phía trái tính theo hướng từ Nam ra Bắc). Đây là đường dẫn vào điểm du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm, thuộc địa bàn thị trấn Khe Sanh với chiều dài hơn 1km.
Tại điểm du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Fam, có một con đường bê tông dài khoảng 200m, rộng hơn 2m dẫn đến khu trung tâm do hộ dân làm. Điểm nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm được thiết kế theo mô hình du lịch nông trại, với nhiều tiểu cảnh; có hệ thống nhà chòi, quán, nhà điều hành chung, khu vui chơi tập trung… Hệ thống nhà chòi, quán chủ yếu làm theo kiểu lắp ghép, có hồ ao…
Bà Hồ Thị Phương, có hộ khẩu thường trú tại Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), chủ của Khu du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm cho hay: Tổng diện tích điểm nghỉ dưỡng khoảng 5ha. Đây là đất sản xuất nông nghiệp của gia đình, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp 50 năm. Hiện tại, điểm du lịch này được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng với tổng diện tích đã xây dựng các công trình khoảng 1ha. Khu du lịch nghỉ dưỡng này đi vào hoạt động mấy năm nay, nhưng chỉ có một vài lần cán bộ của thị trấn Khe Sanh, hay cán bộ văn hóa thông tin huyện Hướng Hóa đến kiểm tra và đề nghị hoàn thành thủ tục pháp lý.
Rời điểm du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm, theo đường Hồ Chí Minh đi ra hướng Bắc khoảng 25km, chúng tôi đến điểm du lịch nghỉ dưỡng 5 mùa Bungalow, thuộc địa bàn xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với tổng diện tích 2,8ha đất nông nghiệp. Điểm du lịch nghỉ dưỡng Bungalow nằm bên một ngọn đồi, với hệ thống Homestay gồm 7 căn xây dựng theo mô hình lắp ghép, bình quân mỗi căn rộng từ 20-25m; có nhà lễ tân xây dựng bán kiên cố, nhà ăn. Ông Nguyễn Quang Cương chủ nhân của điểm du lịch này cho biết: Điểm du lịch 5 mùa Bungalow gồm có các dịch vụ lưu trú, ăn uống… đi vào hoạt động được gần 3 năm nay.
Khác với hai điểm du lịch nghỉ dưỡng nói trên, điểm du lịch nghỉ dưỡng Bảo Nguyên Xanh thuộc địa bàn thôn Của, xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) do ông Lê Sỹ Huế quê ở tỉnh Hải Dương làm chủ. Hệ thống Homestay được xây dựng theo dạng kiên cố, với 6 căn, cùng với các công trình nhà cửa, hệ thống giao thông nội bộ… điểm du lịch này có tổng mức vốn khoảng 10 tỷ đồng. Ông Lê Sỹ Huế cho biết: Điểm du lịch nghỉ dưỡng chưa có một thủ tục giấy tờ pháp lý nào, ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm, song ông Huế đã có báo cáo và xin ý kiến của UBND huyện Hướng Hóa.
Một vị lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho hay: Việc các điểm du lịch nghỉ dưỡng tự phát “mọc” lên ở địa bàn huyện đều biết. Hiện tại, huyện đang có phương án xin các cơ quan có thẩm quyền cho người dân phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp.
Ông Trần Trọng Cường - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Trị khẳng định: Việc các điểm du lịch nghỉ dưỡng tự phát trên địa bàn Hướng Hóa là hoàn toàn trái với pháp luật: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 16, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng: “Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, thì xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, chiếu theo Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì tất cả các điểm du lịch lịch nghỉ dưỡng tại Hướng Hóa nói trên điều bị xử phạt, mức xử phạt bằng tiền tùy thuộc vào diện tích của từng điểm.
Điều đáng nói là tại Điểm a Khoản 4 của Điều này về biện pháp khắc phục hậu quả: Tất cả các điểm du lịch nghỉ dưỡng trái phép buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm… Như vậy, dù có phương án nào thì các điểm du lịch nghỉ dưỡng “mọc” lên trái phép trên đất Hướng Hóa đều phải được xử lý nghiêm túc, đúng với pháp luật.
Việc phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng tự phát trái pháp luật tại huyện Hướng Hóa đã diễn ra từ mấy năm nay, nhưng không hề thấy động tĩnh, can thiệp nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, quản lý du lịch của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thuộc huyện Hướng Hóa.
Cũng xin thông tin thêm, không riêng gì ở huyện Hướng Hóa có nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng tự phát “mọc” lên trái phép, mà hiện nay có một số địa bàn khác ở tỉnh Quảng Trị có nhiều trường hợp hợp tương tự như ở Hướng Hóa. Đơn cử như Công ty TNHH Giáo dục trải nghiệm Trưng Vương Garden, do ông Bùi Mạnh Dũng ở tại thành phố Đông Hà làm đại diện, bất chấp pháp luật xây dựng công trình trái phép tại địa bàn xã Gio An (huyện Gio Linh). Ngoài diện tích xây dựng trái phép tại thửa đất số 317 thuộc xã Gio An (huyện Gio Linh). Mới đây, UBND xã Gio An lại phát hiện Công ty TNHH Giáo dục trải nghiệm Trưng Vương Garden xây dựng trái phép một công trình chuồng trại nuôi gia súc trên thửa đất số 74, tờ bản đồ địa chính số 29 thuộc thôn Tân Văn, xã Gio An.
Việc phát triển du lịch cộng đồng, với ngành nghề dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp là một hướng đi phù hợp, khai thác được lợi thế đất đai, đặc biệt là những vùng đồi núi có cảnh vật, sông suối hữu tình, tạo nên những điểm vui chơi, nghỉ dưỡng hấp dẫn thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, song đòi hỏi phải đúng luật, phù hợp với quy hoạch chung của từng địa phương. Còn phát triển tự phát như lâu nay là thiếu ý thức từ người dân, thiếu sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm, chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy tiêu cực khôn lường.