Thái Bình: Biệt thự, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Thời gian qua, hàng chục ngôi biệt thự, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Mặc dù sự việc diễn ra nhiều năm nhưng đến nay chính quyền xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải vẫn chưa có hướng xử lý.
Người dân thôn Nam Đồng Bắc, xã Nam Thắng phản ánh việc thời gian gần đây trên địa bàn xã có hàng chục hộ dân đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp.
Bác Huy người dân ở thôn Nam Đồng Bắc cho biết: Khu đất này trước là đất trồng lúa, sau đó các hộ dân xin chuyển đổi làm trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Không hiểu sao lại có nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố như hộ gia đình nhà ông Tư, ông Vương và căn biệt thự của gia đình ông Hoàng Văn Thụ nhưng không hề bị chính quyền địa phương ngăn cản hay có phương án nào xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu chăn nuôi tập trung của 31 hộ dân ở thôn Nam Đồng Bắc có đến hàng chục công trình nhà ở kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Có những hộ xây nhà theo kiểu biệt thự sân vườn, rộng đến hàng trăm m2.
Tại thôn Rưỡng Trực 1, nhà xưởng của Công ty Giầy da Gia Hưng rộng hàng nghìn m2 cũng được xây dựng trên đất nông nghiệp, hiện vẫn đang hoạt động.
Ông Phan Đình Du, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng xác nhận tình trạng các hộ dân tự ý xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng trên đất nông nghiệp là có. Xã cũng đã làm hết chức năng nhiệm vụ và đã báo cáo lên UBND huyện Tiền Hải để tìm biện pháp xử lý.
Được biết ngày 11/3/2021, UBND xã Nam Thắng đã lập biên bản về việc xây dựng trái phép của hộ ông Hoàng Văn Thụ, hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố theo kiểu biệt thự nhà vườn. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu hộ ông Thụ phải dừng việc xây dựng trái phép và khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước ngày 18/3/2021. Sau thời gian này, UBND xã Nam Thắng sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên đến nay căn nhà biệt thự theo kiểu nhà vườn vẫn tồn tại mà không hề bị xử lý theo quy định.
Tại thôn Rưỡng Trực 1, nhà xưởng của Công ty Giầy da Gia Hưng rộng hơn 2.000m2 được xây dựng vào cuối năm 2021, trong đó có 400m2 đất ở, diện tích nhà xưởng và khuôn viên còn lại xây trên đất nông nghiệp. Chủ sử dụng đất là hộ ông Phạm Văn Bường và Phạm Văn Sắc đã chuyển nhượng đất nông nghiệp cho ông Ngô Văn Khải để xây nhà xưởng sản xuất giầy da trái phép.
Ngày 22/11/2021, UBND xã Nam Thắng đã tiến hành lập biên bản về việc, hộ ông Ngô Văn Khải đã xây dựng nhà xưởng trái phép, yêu cầu hộ ông Khải dừng việc xây dựng và khôi phục hiện trạng ban đầu trước ngày 26/11/2021. Sau thời gian này nếu gia đình không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm tháng 8/2023, công trình nhà xưởng của Công ty Giầy da Gia Hưng vẫn còn tồn tại và vẫn đang hoạt động sản xuất bình thường.
UBND xã Nam Thắng đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Tiền Hải để kiểm tra và đưa ra hướng xử lý đối với các công trình xây dựng trái phép như nhà ở, nhà xưởng từ lâu. Nhưng đến nay UBND huyện Tiền Hải vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý hay cố tình không xử lý đối với những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Nam Thắng.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã gửi giấy giới thiệu, đặt lịch làm việc với UBND huyện Tiền Hải để tìm hiểu biện pháp xử lý đối với nhà xưởng, nhà ở của các hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Nam Thắng.
Mặc dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Tiền Hải nhưng đều nhận được câu trả lời là sẽ kiểm tra lại và bố trí buổi làm việc gần nhất. Gần hết tháng 9 nhưng UBND huyện Tiền Hải vẫn chưa bố trí làm việc với cơ quan báo chí theo quy định.
Việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phép không chỉ phá vỡ bức tranh tổng thể về quy hoạch của cả xã Nam Thắng nói riêng và huyện Tiền Hải nói chung mà còn để lại nhiều hệ lụy trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Căn cứ khoản 7, khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị phạt hành chính, cụ thể:
“Điều 16. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.
Đối với hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này mà đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định này.
Như vậy, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt lên đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và bị áp dụng biện pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng.
Văn Đạt