Diễn biến trái chiều phân khúc văn phòng cho thuê và bất động sản nghỉ dưỡng
Trong quý III/2023, nguồn cung văn phòng cho thuê tại các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng so với quý trước. Trong khi đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm, khó khăn khi nguồn cung hạn chế và giá liên tục giảm.
Văn phòng hạng A thu hút nhiều khách thuê
Cụ thể, số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III, các dự án văn phòng hạng A được lựa chọn nhiều nhất, thu hút được nhiều khách hàng mới, đặc biệt là các công ty nước ngoài.
Chiếm phần lớn giao dịch cho thuê trong quý vừa qua là việc chuyển dịch văn phòng. Hầu hết khách thuê ưa chuộng nội thành, nơi có những dự án mới, chất lượng cao, giá thuê linh động, phù hợp theo nhu cầu.
Cụ thể, tại Thành phố Hà Nội, nguồn cung văn phòng đạt 2,16 triệu m2 (tăng 1%) theo quý. Trong quý III/2023, dự án văn phòng hạng A Lotte Mall West Lake đã cung cấp cho thị trường diện tích sàn cho thuê khoảng trên 22.000m2.
Giá thuê văn phòng hạng A khu vực quận Hoàn Kiếm khoảng 1.000.000 đồng/m2/tháng; khu vực quận Hai Bà Trưng khoảng 750.000 đồng/m2/tháng khu vực quận Cầu Giấy khoảng 700.000 đồng/m2/tháng, giá thuê văn phòng hạng B trung bình khoảng 480.000 đồng/m2/tháng.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung văn phòng tăng trưởng 3% theo quý sau khi 4 dự án mới gia nhập thị trường với hơn 93.000m2 diện tích cho thuê.
Trong quý III/2023, Khu đô thị mới Thủ Thiêm chiếm lĩnh nguồn cung mới với 90% thị phần từ hai dự án hạng A là The METT và The Hallmark. Khu vực trung tâm quận 1 cũng cung cấp 10% nguồn cung mới trong quý nhờ dự án Waterfront Saigon (hạng B) đi vào hoạt động lại sau giai đoạn cải tạo và sự gia nhập thị trường của dự án hạng C L’MAK The Signature.
Lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng hạn chế
Theo đó, giá thuê văn phòng hạng A thuộc khu trung tâm quận 1 khoảng 1.320.000 đồng/m2/tháng; khu vực trung tâm quận 2 khoảng 1.080.000 đồng/m2/tháng; giá thuê văn phòng hạng B thuộc khu trung tâm quận 1 khoảng 720.000 đồng/m2/tháng.
Trái ngược với những chuyển biến tích cực từ phân khúc văn phòng cho thuê, quý III, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trầm lắng. Theo đó, thị trường khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án đã khai trương và ra mắt thị trường như: Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen & Resort tại Quảng Bình, khu nghỉ dưỡng 5 sao Lady Hill Sapa Resort tại Lào Cai, khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân tại Bình Định.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng để bán, nguồn cung mới tiếp tục có xu hướng giảm so với quý trước. Theo một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì trong tháng 7 và 8 lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng được mở bán mới là rất hạn chế.
Nhu cầu mua và lượng đặt cọc thấp khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường đã tác động làm cho nguồn cung mới đối với loại hình bất động sản này liên tục giảm trong năm 2023.
Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực.
Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
Theo số liệu báo cáo của 52/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản trong quý III/2023 vào khoảng 16.940 căn. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.