Đề xuất miễn thuế nông sản Việt vào Mỹ: Nỗ lực “gỡ thế bí”
Việt Nam vừa có động thái đề xuất Mỹ miễn trừ thuế đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu như thủy sản, cà phê, rau quả, điều và tiêu.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã chính thức đề xuất Mỹ xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng nông sản chủ lực như thủy sản, cà phê, rau quả, điều và tiêu – những sản phẩm được đánh giá không gây cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa Mỹ.

Đề xuất được đưa ra trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Hoàng Trung và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jason Hafemeister. Đây được xem là nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực nếu Mỹ tiến hành áp dụng thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
Theo phía Việt Nam, các mặt hàng nông sản nêu trên đóng vai trò thiết yếu trong đời sống của người tiêu dùng Mỹ và là nguồn cung quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối tại thị trường này. Việc áp thuế cao sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, mà còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Ông Jason Hafemeister đánh giá cao chất lượng nông sản Việt Nam và khẳng định Mỹ luôn coi trọng quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông cho biết Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam trong tháng 5 tới để thúc đẩy hợp tác cụ thể hơn.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đang được nâng tầm, với Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ đạt hơn 13 tỷ USD.
Không chỉ nhằm tránh các tác động tiêu cực trước mắt từ các rào cản thuế quan, đề xuất lần này còn phản ánh định hướng rõ ràng của Việt Nam trong xây dựng chiến lược thương mại bền vững. Thay vì chỉ tập trung vào giá cả hay sản lượng, các bộ ngành và doanh nghiệp đang hướng tới việc nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Giới chuyên gia nhận định, việc chủ động đối thoại với các đối tác lớn như Mỹ còn giúp Việt Nam tạo dư địa ổn định trong chính sách đối ngoại kinh tế. Khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương không còn là “lá chắn tuyệt đối” trước các biện pháp phòng vệ thương mại, thì năng lực đàm phán và phản ứng chính sách trở thành lợi thế cạnh tranh mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, đề xuất miễn thuế – dù chưa có kết quả cụ thể – vẫn được nhìn nhận là tín hiệu tích cực. Theo đại diện một hiệp hội ngành hàng xuất khẩu thủy sản, việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường kịp thời nêu vấn đề với phía Mỹ cho thấy Nhà nước đã lắng nghe thị trường và chủ động tháo gỡ rào cản ngay từ giai đoạn sớm. Điều này không chỉ tạo tâm lý tích cực cho doanh nghiệp, mà còn giúp họ chủ động hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đầu tư và đàm phán hợp đồng.
Trong thời gian tới, nếu Mỹ cân nhắc miễn thuế hoặc duy trì thuế suất ổn định cho các mặt hàng nêu trên, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2025 – đặc biệt trong bối cảnh chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào vẫn còn nhiều áp lực.
Minh Thành