0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 07/07/2023 08:15 (GMT+7)

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, doanh nghiệp nói gì?

Theo dõi KT&TD trên

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính sách thuế này sẽ tác động đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính sách thuế này sẽ tác động đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung.

Thêm nhiều đối tượng chịu thuế

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng. Theo đó, Dự án Luật có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bổ sung 4 đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi đối tượng chịu thuế với xe ô tô: Bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ; tàu bay sửa đổi theo hướng chỉ quy định "máy bay, trực thăng, tàu lượn".

Bổ sung đối tượng không chịu thuế TTĐB: Tàu bay, một số loại xe ô tô không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; hàng hoá "mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam", hàng hoá "trung chuyển"; hàng hoá đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường doanh nghiệp nói gì
Dự án Luật Thuế TTĐB có mở rộng và đưa "nhóm giải khát có đường" vào luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, qua góp ý dự thảo luật, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất, việc bổ sung một số mặt hàng vào diện đánh thuế TTĐB.

Đáng chú ý, Dự án Luật Thuế TTĐB có mở rộng và đưa "nhóm giải khát có đường" vào luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính dẫn lời WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 - 2016.

Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Hiện tại có 85 quốc gia trên thế giới thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Đánh giá về dự thảo, đại diện VCCI, Dự án Luật có tác động cả tích cực và không tích cực. Về mặt tích cực, Dự án Luật giúp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giá của sản phẩm đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới và dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng sẽ tăng thêm tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Qua đó định hướng tiêu dùng, góp phần giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đối với sản xuất, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó có thể làm giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với ngân sách Nhà nước, số thu ngân sách tăng do đây là các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mới bổ sung.

Tuy nhiên ở khía cạnh không tích cực, việc thực hiện đánh thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ này và qua đó sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh trong nước. Trong thời gian đầu thực hiện chính sách có thể làm tăng thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chịu thuế.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường doanh nghiệp nói gì
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI) - Ảnh: VGP

Doanh nghiệp nói gì?

Góp ý về vấn đề này tại dự thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây không phải lần đầu tiên đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB được đưa ra.

Năm 2017, Bộ Tài chính đã từng đề xuất nội dung này. Thời điểm đó, CIEM đã tiến hành khảo sát giai đoạn 2018-2021 cho thấy, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này thì sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung.

Theo đó, từ góc độ cơ quan nghiên cứu, đại diện CIEM nêu đánh giá, xét tổng thể, chính sách thuế này khiến giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường doanh nghiệp nói gì
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đồng tình cho rằng, việc áp dụng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm này chưa phù hợp. Đại diện cho ngành được nhận định sẽ chịu nhiều tác động, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam, bày tỏ: Các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng giá của nguyên vật liệu và nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt tự nhiên cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng nên rất khó khăn.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/1/2024 và với đề xuất áp dụng sắc thuế mới thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt giá thành sản phẩm tăng lên, người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm thay thế có chứa chất tạo ngọt ngoài đường, như vậy mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng bảo vệ sức khoẻ người dân chưa chắc đã đạt được.

“Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là tăng thu ngân sách và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tuy nhiên với những phân tích đã đưa ra có thể thấy rằng mục tiêu này rất khó có thể đạt được”, ông Việt nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc đối ngoại Coca-Cola Việt Nam cho biết: Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường tuy nhiên đã phải từ bỏ do không hợp lý và không đạt mục tiêu kỳ vọng.

Trong một vài năm tới gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ là rất lớn bởi phải đầu tư đáp ứng các quy định về sản xuất xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính… việc áp dụng thêm trách nhiệm thuế cho doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp khó chồng khó.

Phản ánh mong muốn chung của các doanh nghiệp bia, nước giải khát, ông Nguyên đề xuất: Quốc hội, Chính phủ xem xét thời điểm ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi trong bối cảnh hiện tại thêm một trách nhiệm thuế không chỉ là gánh nặng mà là vấn đề tồn tại của doanh nghiệp.

Cũng phát biểu tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng ngoài nhóm đồ uống công nghiệp còn có sự tồn tại phổ biến của nhóm đồ uống đường phố. Đồ uống đường phố là phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm.

Tại Việt Nam, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp là rất lớn, nếu như không tiêu thụ các loại đồ uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp có hóa đơn thuế thì người tiêu dùng có thể sẽ tìm cách tiêu thụ đồ uống được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB.

Do đó, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu TTĐB sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, doanh nghiệp nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.