Lo ngại giảm 2% VAT sẽ tác động đến công tác, biện pháp quản lý giá
VCCI cho rằng, quy định từ ngày 01/07/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% và từ ngày 01/01/2024 sẽ tăng lại từ 8% lên 10% chắc chắn sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như: nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%.
VCCI cho rằng, hiện một số loại hàng hoá, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá, như nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% vào ngày 1/7/2023 và tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1/1/2024 sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như trên.
VCCI lấy ví dụ, đối với trường hợp doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng ký giá (đã bao gồm thuế) thì có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không? hay vẫn áp dụng giá cũ? doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không? VCCI đặt câu hỏi và cho rằng, một số loại hàng hoá, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hoá, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi và phức tạp cho doanh nghiệp.
Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lý giá khi giảm thuế giá trị gia tăng, theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.
Cũng theo VCCI, Điều 2.2 của Dự thảo cũng quy định: “Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 1 Nghị định này”.
VCCI nhận định, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu các bộ và UBND cấp tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có giảm giá hàng hoá tương ứng với mức giảm thuế hay không.
“Điều này không khả thi và cũng không hợp lý, bởi giá cả trên thị trường sẽ được quyết định bởi sự thoả thuận giữa người mua và người bán. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 2.2 của Dự thảo” – văn bản của VCCI nêu.
Về danh mục hàng hoá dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT, theo VCCI cơ quan soạn thảo cũng đã cho rằng việc giảm thuế này gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hoá, dịch vụ giảm thuế GTGT; mô tả hàng hoá tại Phụ lục kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP dựa trên Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam hiện nay không tương ứng với mô tả hàng hoá tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dẫn đến khó khăn khi xác định mã HS đối với hàng hoá nhập khẩu tại các Phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hoá… chưa được phân vào đâu”.
Công văn của VCCI nêu rõ, trên thực tế, các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI rằng việc phân loại hàng hoá, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai. Nhiều trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hoá với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được.
Bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hoá, dịch vụ để áp dụng. Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khách nhau.
Dự thảo bổ sung quy định “Mã HS trong Phụ lục I và Phụ lục III chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS của hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo quy định pháp luật hải quan”. Tuy nhiên, theo VCCI Phụ lục I và Phụ lục III vẫn có các trường hợp không có mã HS mà được ký hiệu, và sẽ khai báo mã HS theo thực tế hàng hoá nhập khẩu. Đây là điểm khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn vì không cơ sở để biết hàng hoá của mình (đã có mã HS khi nhập khẩu) có thuộc Phụ lục hay không.
Vì vậy, VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên sử dụng bảng phân loại hàng hoá nhập khẩu theo pháp luật hải quan làm cơ sở để xây dựng Phụ lục I và Phụ lục III của Nghị định này, thay cho việc sử dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Giải pháp này có thể giúp hàng hoá nhập khẩu dễ dàng xác định được thuế suất, thay vì tình trạng hiện nay là cả hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trong nước đều gặp khó khăn khi xác định thuế suất.
Trong trường hợp không kịp sử dụng bảng phân loại hàng hoá nhập khẩu thì cần liệt kê đầy đủ các mã HS hàng nhập khẩu áp dụng thuế 10%. Nói cách khác, cần loại bỏ toàn bộ các trường hợp ngoại lệ được ký hiệu.
Đồng tình với phương án giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá chính sách giảm thuế VAT do chính sách này mang tính chất phủ rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp hơn.
Cũng theo ông Thành, rõ ràng hỗ trợ về phí và thuế là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay, chứ không phải hỗ trợ về lợi nhuận hay hỗ trợ về thị trường bởi tình hình kinh tế thế giới hiện khá xấu, thị trường đầu ra rất kém.
Có thể thấy sự sụt giảm này thông qua con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm tới 13,3% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ tăng 15%. Riêng xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ… đều giảm mạnh.
Bên cạnh đó, trước lo ngại về việc giảm toàn bộ các mặt hàng thay vì loại trừ như năm ngoái gây gánh nặng ngân sách hơn, GS.TS Tô Trung Thành, cho rằng phân tích kỹ cơ cấu về nợ công và nợ Chính phủ hiện vẫn ở mức độ khá tốt vì năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế khá tốt. Điều này dẫn đến tỷ trọng nợ công/GDP cũng đang giảm.
"Chúng ta cần đánh đổi và đặc biệt, trong khi nền kinh tế ở giai đoạn suy thoái hoặc khó khăn, chắc chắn phải dùng các chính sách tài khoá và chấp nhận thâm hụt ngân sách", GS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.
Mặt khác, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng giảm thuế VAT làm giảm nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài, nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác giúp doanh nghiệp "hồi sức", thu ngân sách thậm chí có thể dôi dư, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.
Thanh Cao