Đẩy mạnh các giải pháp nhằm ngăn chặn gian lận hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử ra đời được đánh giá đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, qua theo dõi, Tổng cục Thuế nhận thấy đã xuất hiện hiện tượng một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng HĐĐT nhằm chiếm đoạt tiền thuế.
Hệ thống Hóa đơn điện tử (HĐĐT) ra đời với những tính năng nổi trội đã giải quyết được phần lớn các bài toán về quản lý thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT, người nộp thuế (NNT) gặp một số vướng mắc, khó khăn như: tình trạng hóa đơn bị sai sót, các thủ tục điều chỉnh còn bất cập; một số lĩnh vực kinh doanh với các loại hình phát hành hóa đơn khác nhau trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề cần được giải quyết; quy định về giao dịch điện tử còn phức tạp và chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh; quy trình, hướng dẫn triển khai HĐĐT của cơ quan thuế còn chưa hoàn chỉnh, nhiều DN còn lúng túng, vướng mắc khi áp dụng...
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cho biết với phạm vi ngày càng rộng, số lượng người nộp thuế quản lý ngày càng nhiều, các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp thì vấn đề lợi dụng sự thông thoáng trong quy định thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm giả hồ sơ, chứng từ để kê khai, quyết toán thuế, thậm chí không kê khai, nộp thuế,… diễn biến ngày càng tinh vi và khó lường.
Đặc biệt, hiện nay có hiện tượng phát hành và sử dụng HĐĐT trái pháp luật nhằm gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, tính tuân thủ của NNT còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chưa sẵn sàng tiếp cận HĐĐT do bị hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực; thói quen sử dụng hóa đơn truyền thống; tâm lý ngại thay đổi hay quan ngại về nhà cung cấp phần mềm; vấn đề an toàn, bảo mật khi sử dụng trên môi trường internet..., do đó, những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Với hành vi gian lận về lập hóa đơn điện tử, khai thuế, các đối tượng thực hiện xuất khống hóa đơn, có trường hợp là hóa đơn giả để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, tăng chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu.
Để ngăn chặn các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn gây thất thu cho ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng với các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt pháp luật về hóa đơn, cục thuế các địa phương đã tăng cường xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, nhằm tăng cường đấu tranh với các hành vi gian lận về hóa đơn, trốn thuế, thời gian qua ngành thuế thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuế để nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
Cùng với đó, ngành thuế đã sử dụng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn đến thực hiện thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng… nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, hóa đơn nhằm trục lợi bất chính.
Đồng thời các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng hóa đơn cần đơn giản, dễ hiểu hơn, nhất là tránh tình trạng có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau. Song song đó, các văn bản hướng dẫn về hóa đơn cần được thông qua Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để đảm bảo tính thống nhất, logic về mặt dữ liệu nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, giúp cảnh báo và phát hiện sớm các hành vi gian lận HĐĐT, nhanh chóng xử lý triệt để.
Tiến Hoàng