Đà Nẵng: Cận cảnh "siêu dự án" Coco Bay 11.000 tỉ đồng sau 8 năm khởi công
Dự án Coco Bay Đà Nẵng từng là siêu dự án đình đám với tổng mức đầu tư 11.000 tỉ đồng. Hiện nay nhiều hạng mục đang xây dang dở, bỏ hoang.
Siêu dự án Coco Bay Đà Nẵng thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) có tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng nằm trên con đường ven biển Trường Sa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), nối Đà Nẵng và Quảng Nam.
Dự án từng được quảng bá rất rầm rộ là tổ hợp du lịch giải trí bậc nhất Đà Nẵng, với sự có mặt của ngôi sao bóng đá nổi tiếng trên thế giới.
Tổ hợp du lịch và giải trí Coco Bay được khởi công vào tháng 6/2016. Đến nay, siêu dự án này đã hoàn thiện một phần trong đó có các hạng mục căn hộ khách sạn (condotel) cùng nhiều hạng mục phục vụ giải trí, nghỉ dưỡng khác.
Sau khi đưa vào khai thác từ năm 2017, đến năm 2019 thì chủ đầu tư siêu dự án này tuyên bố "vỡ trận" ở phân khúc condotel. Hiện tại, dự án đang rơi vào tình trạng tiêu điều. Một số hạng mục đang thi công dang dở thì bỏ hoang, các hạng mục đã hoàn thiện thì đóng cửa.
Cuối năm 2019, Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) có thông báo gửi khách hàng về việc chấm dứt chi trả lợi nhuận như cam kết (12%/năm, trong 8 năm). Trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án từ ngày 01/01/2020.
Để gỡ vướng mắc về hạng mục condotel tại dự án Coco Bay, năm 2019, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500 Phân khu quy hoạch số 1 tại Cocobay, trong đó có nội dung chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư.
Cụ thể, 1.016 căn condotel trong tổng số 1.856 căn đang xây dựng tại tòa nhà Cổ Cò 1,2 và 3 được thành căn hộ chung cư và 544 căn condotel trong tổng số 1.657 căn tại công trình chưa xây dựng ở tòa nhà Cocobay Tower cũng được chuyển thành căn hộ chung cư.
Quyết định này cho phép chuyển đổi các công trình condotel cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề, đồng thời bổ sung quy hoạch một số công trình để bố trí văn phòng quản lý, công trình phụ trợ, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại, nhà xe... đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.
UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Thành Đô thực hiện các thủ tục chuyển đổi căn hộ khách sạn thành căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, dự án vẫn chưa có nhiều cải thiện về tiến độ, dẫn tới cảnh quan chung của thành phố bị ảnh hưởng. Sau đây là một số hình ảnh tại dự án Coco Bay Đà Nẵng , Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi nhận ngày 12/3.
Dự án “treo” tồn tại là do mục tiêu lợi nhuận?
Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường về vấn đề doanh nghiệp ôm đất xong bỏ hoang, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, ở nhiều địa phương đều xuất hiện tình trạng các dự án “treo”. Và những dự án treo này gây ra hệ lụy ở nhiều mặt như: Người dân thì không làm được gì vì đất đã nằm trong phạm vi quy hoạch, còn nhà nước thì không thu được tiền thuế bởi doanh nghiệp không đầu tư thì không có cơ sở để tính thuế. Từ đó dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất, môi trường đầu tư khu vực đó bị cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân trong khu vực.
Theo PGS. TS Lưu Đức Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo” dự án thì thường là do mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi đất còn giá trị thấp thì họ cứ xin quy hoạch, chờ đến khi giá đất lên cao thì họ đầu tư hoặc cũng có những trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện thì họ sẽ tìm đơn vị khác có đủ năng lực rồi chuyển giao để thu lợi nhuận chênh lệch. Hoặc thời điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp cảm thấy cơ hội đã qua đi và không còn mặn mà cho việc triển khai thực hiện.
Vấn đề thứ hai, ban đầu khi xin chủ trương, doanh nghiệp đều phải bỏ ra một số tiền và khi dự án thu hồi thì nhà nước phải hoàn trả số tiền đó cho nhà đầu tư. Và nguồn tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư thì cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc và tính toán. Bên cạnh đó, có thể chính quyền chưa tìm được nhà đầu tư mới có đủ tiềm lực để thực hiện đầu tư mới thay thế thì họ cũng vẫn sẽ để tạm đó.
Vấn đề thứ 3, giữa chính quyền và nhà đầu tư có thể có sự móc nối nào đó và không muốn bị lộ ra ngoài, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền không mạnh dạn trong công tác thu hồi các dự án “treo”.
“Để có thể giải quyết dứt điểm các dự án “treo” nhiều năm thì ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương cần phải tăng cường công tác giám sát, xử lý. Cụ thể, nếu dự án để lâu không thực hiện thì cần phải được thanh tra, thanh tra quy trình giao, cho thuê đất và tại sao không triển khai thực hiện?
Sau thanh tra cần nhanh chóng quyết định hoặc là gia hạn hoặc là thu hồi, hủy bỏ dự án và giao cho đơn vị có đủ năng lực để thực hiện. Đồng thời, việc thanh tra cũng sẽ tác động đến nhà đầu tư, bởi nếu không triển khai thực hiện thì họ có thể mất cơ hội đầu tư và từ đó họ sẽ có động thái để thực hiện.
Song song cùng việc chấp thuận chủ trương, chính quyền cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất với doanh nghiệp về khả năng thực hiện, thời gian thực hiện,.. nếu làm thì phải làm ngay, còn không làm được thì kiên quyết thu hồi, hủy bỏ dự án” - PGS. TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Trọng Nghị - Bình Dương