Covid-19 chính thức trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm B từ ngày 20/10
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3896 trong đó quy định Covid-19 được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B. Thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã gửi Tờ trình số 1359/TTtr-BYT, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ bãi bỏ một số Nghị quyết phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Quyết định nêu rõ, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra).
Cụ thể bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày trong khi quy định trước đó là 14 ngày và và 28 ngày.
Việc sửa đổi thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống từ 14 ngày còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh Covid-19 mới giảm từ 28 ngày còn 8 ngày theo Bộ Y Tế là có căn cứ được dựa trên cơ sở khoa học; diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh Covid-19 hiện không còn đáp ứng các tiêu chí truyền nhiễm nhóm A. Trong khi đó lại đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Chính vì thế việc chuyển đổi được cho là phù hợp.
Vào ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới cũng công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng từng chia sẻ dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Dù bệnh Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp ta kiểm soát dịch cũng như không bất ngờ trước diễn biến dịch, sẵn sàng đáp ứng theo mức độ. Đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không lãng phí và đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 11.624.065 ca Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm). So với năm 2022, tỷ lệ chỉ còn 0,02%, tương đương với tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết 0,022%, bạch hầu 0,102%,...
Phạm Thu