Chính phủ giao loạt nhiệm vụ mới về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện tái tạo
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo (điện tái tạo).
Phê bình một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt
Theo đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phải bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Văn bản số 15422, ngày 16/6/2025.
Trong đó lưu ý, các phương án xử lý phải theo thẩm quyền của từng cấp, bảo đảm không để lãng phí, kéo dài, không để xảy ra vi phạm.

Ngoài ra, phải có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra về sai phạm trước khi cho các dự án được tiếp tục triển khai, trong đó nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm xử lý hai dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai và các dự án tương tự đã xử lý.
Lãnh đạo Chính phủ cũng phê bình một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn đùn đẩy, né tránh, trong đó Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chủ trì, có trách nhiệm chính.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trong thời gian tới, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 15422, ngày 16/6/2025, để tham mưu Thủ tướng các nhiệm vụ, công việc và lộ trình thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị.
Đồng thời, chủ trì hướng dẫn các bộ, cơ quan có liên quan và UBND các tỉnh tiếp tục cập nhật các dự án có khó khăn, vướng mắc; phân loại, xác định rõ thẩm quyền xử lý của từng cấp.
Phối hợp với Văn phòng Chính phủ dự thảo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng, không để xảy ra vi phạm, lãng phí trong thực hiện các dự án; không xảy ra sai phạm mới khi tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng; không để thất lạc, mất hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án khi sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.
Phân loại dự án, phương án xử lý, báo cáo trong tháng 8
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ để phân loại, rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc, trong đó phân loại rõ phương án xử lý.
Cụ thể, phân ra các dự án đã có kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và bản án; các dự án thiếu sót về trình tự, thủ tục trong quá trình triển khai hoặc vướng mắc về cơ chế pháp luật hoặc vướng về cơ chế pháp luật; các dự án có vi phạm nhưng chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc để thanh tra, kiểm tra trên nguyên tắc, không tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đã có kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra, bản án và các dự án không có vi phạm, chỉ vướng mắc về trình tự, thủ tục pháp lý.
Đối với các dự án có vi phạm, tiến hành thanh tra, kiểm tra nhưng phải phân cấp, thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra Chính phủ cũng được yêu cầu chủ trì khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy trình thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các cơ quan, địa phương tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra đúng các dự án có vi phạm, không gây nhũng nhiễu, tiêu cực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình thanh tra, kiểm tra phối hợp với Ủy ban kiểm tra và Ban Nội chính các cấp. Các địa phương đề xuất thanh tra, kiểm tra và dự kiến phương án xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thuộc địa phương mình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 8/2025.
Xác định chi phí phát sinh, báo cáo trước 15/7
Về việc triển khai Nghị quyết số 233, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan dự thảo Công điện của Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, cần chỉ rõ trách nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, cơ quan và địa phương trong xử lý vướng mắc đối với từng dự án, nhóm dự án theo đúng tinh thần 6 rõ của Thủ tướng là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý: đây là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia và lợi ích của doanh nghiệp, do đó cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ, thận trọng.
Theo đó, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát điều kiện để được hưởng giá FIT của từng dự án, trong đó có phân loại các dự án nộp hồ sơ kiểm tra công tác nghiệm thu trong thời điểm xảy ra dịch bệnh dịch Covid-19, các dự án có vốn nước ngoài.
Phân tích, đánh giá kỹ các mặt ảnh hưởng, có lợi/bất lợi của phương án tạm thanh toán/thu hồi giá FIT theo đề xuất của EVN, rủi ro tranh chấp và khiếu kiện bao gồm các khiếu kiện quốc tế.
Đồng thời, xác định giá trị chênh lệch giữa giá trị tạm thanh toán theo phương án đề xuất và giá trị thanh toán theo hợp đồng đã ký của từng nhà máy; chi phí phát sinh trong trường hợp xảy ra khiếu kiện… báo cáo Chính phủ xem xét trước ngày 15/7.
Hiện có 173 dự án điện tái tạo gặp vướng mắc. EVN nêu giải pháp, 25 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 1278MWp) đang thanh toán theo giá FIT1 sẽ tạm thanh toán theo giá FIT2 do thời gian cấp có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu rơi vào thời điểm hưởng FIT2.
Còn 93 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 7.257MWp) đang thanh toán theo giá FIT (bao gồm FIT1 và FIT2) sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp, do có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau thời điểm FIT2 hết hiệu lực.
14 nhà máy/phần nhà máy gió (tổng công suất 649MW) đang thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp. Đối với các nhà máy điện chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, EVN sẽ tạm thanh toán chi phí vận hành và bảo trì (O&M).
Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc với các nhà đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế bảo lưu quan điểm sẽ khiếu kiện quốc tế nếu bị hồi tố giá FIT.