Hà Nội quyết liệt không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại
TP.Hà Nội kiên quyết đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1149/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn tại Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế về Ban hành hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Kiên quyết, kiên trì và kiên định đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đảm bảo nhân lực, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất đáp ứng phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ".
Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19, sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân, trong đó tập trung vào thông điệp 2K của Bộ Y tế: khẩu trang, khử khuẩn và các thông điệp liên quan để người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ tại địa phương.
Đẩy mạnh tiêm chủng, phát hiện sớm biến thể mới
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải triển khai các giải pháp đẩy mạnh tổ chức việc tiêm chủng, bảo đảm không bỏ sót đối tượng. Rà soát và dự trù nhu cầu vaccine gửi về Sở Y tế để được bố trí vaccine và chịu trách nhiệm với đề xuất của đơn vị.
Đối với Sở Y tế Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương. Từ đó chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Về công tác tiêm vaccine, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế thành phố phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhất là với các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
UBND TP.Hà Nội cũng nêu rõ, ngành y tế Thủ đô cần tiến hành rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
Mặt khác, tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) của Bộ Y tế trên các phương tiện giao thông công cộng tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sắp tới.
Về công tác tuyên truyền, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) của Bộ Y tế trên các phương tiện giao thông công cộng tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Sở thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch tại nơi công cộng, UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng đối với người phục vụ và hành khách tham gia giao thông.
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 18/4 cả nước có 1.522 ca mắc Covid-19. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất hơn nửa năm qua. Trong ngày có 138 ca khỏi, số bệnh nhân nặng tăng vọt lên 102 ca, trong đó có 14 ca thở máy xâm lấn. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.533.625 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.556 ca nhiễm).
Riêng tại TP.Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 1.4 vừa qua, ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn từ 2 - 5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 đến nay, số người mắc Covid-19 tăng dần.
Tính đến ngày 16/4, toàn thành phố có 566 trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị. Số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây, trong đó địa phương ghi nhận nhiều nhất là Hà Nội.
Lan Anh