Số ca mắc Covid-19 tăng "chóng mặt", Bộ Y tế ra công văn khẩn
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, trong 7 ngày (từ 5/4 -11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 mới, tăng 3,8 lần so với 1 tuần trước đó.
Ca nhiễm Covid-19 đang tăng trở lại
Sau một thời gian dài dịch Covid -19 tạm lắng, nhiều ngày cả nước không có ca mắc thì ngày 12/4, số ca mắc trong cả nước tăng tới 261 ca mắc mới, có 46 bệnh nhân khỏi và 9 ca đang thở oxy.
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, trong 7 ngày (từ 5/4 -11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 mới, tăng 3,8 lần so với 1 tuần trước đó. Cao điểm nhất là có hơn 261 ca mắc. Như vậy, dịch bệnh Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát tình hình dịch, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra...
Các địa phương tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới…
Còn trên thế giới, số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều ghi nhận mức tăng mạnh trong những ngày trở lại đây. Ngày hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận hơn 12 nghìn ca mắc mới Covid-19, Nhật Bản gần 10 nghìn ca, trong khi Ấn Độ là khoảng 7.800 ca.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiếp tục theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus, biến thể mới trong tương lai.
Biến chủng phụ của Omicron, XBB 1.16 là thủ phạm
Theo các số liệu ghi nhận tại Ấn Độ những ngày qua, thì cứ 4/5 ngày số ca nhiễm mới tính theo ngày lại tăng gấp đôi. Giới chức Ấn Độ giữ một thái độ khá thận trọng trong đợt bùng phát dịch lần này là vì vậy. Biến chủng phụ của Omicron, XBB 1.16 được cho là thủ phạm của đợt bùng phát lần này.
Tuy nhiên Hiệp hội Y khoa Ấn Độ mới đây cũng đã ra một tuyên bố cho rằng người dân cần cảnh giác chứ không nên sợ hãi. Bởi cho tới lúc này, XBB 1.16 vẫn chưa cho thấy có sự gia tăng đột biến nào về độc lực. Tỉ lệ hồi phục của các bệnh nhân hiện vẫn là gần 99%. Các viêm nhiễm mà XBB 1.16 gây ra vẫn chủ yếu ở hệ hô hấp trên, chứ không tấn công nhiều vào phổi. Có điều phải cẩn trọng là vì độc lực của XBB 1.16 dù không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch.
Điều mà Ấn Độ cảm thấy lo lắng trong đợt bùng phát dịch lần này là việc người dân thờ ơ với Covid-19 quá sớm. Nhiều người bị ho, sốt, cảm nhận mình có các triệu chứng của Covid-19 khá rõ ràng, tuy nhiên giờ đây họ không chịu xét nghiệm nữa và cũng không còn ý thức tự cách ly. Công tác truy vết và đánh giá về mức độ bùng phát của dịch lần này tại Ấn Độ vì thế khó khăn hơn nhiều. Thực tế thì XBB 1.16 được xác định đã lây nhiễm trong cộng đồng tại Ấn Độ thì vài tháng qua, nhưng tỉ lệ nhập viện không cao.
Giới y tế Ấn Độ vì thế cho rằng, nguy cơ tái diễn một thảm kịch như từng xảy với biến thể Delta là không cao, nhưng điều đó không có nghĩa là đợt bùng phát lần này là không nguy hiểm. Giới y tế Ấn Độ những ngày qua nhấn mạnh một thông điệp, đó là nếu bạn cảm thấy mình nhiễm Covid-19 mà vẫn ổn, thì không có nghĩa là người khác cũng sẽ ổn như bạn. Nếu người nhiễm Covid-19 không giữ một thái độ đúng đắn, để Covid-19 lây lan bừa bãi thì rất có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường với những người xung quanh, nhất là những người già, suy giảm hệ thống miễn dịch, trong đó có cha mẹ, bạn bè, con cái mình.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng: "Nhận định ca Covid-19 gia tăng không có nghĩa là dịch bùng phát. Do đây là thời điểm giao mùa nên các bệnh như cúm mùa, Covid-19 có thể tăng cao".
"Đồng thời, do hiệu quả của vaccine đã giảm dần theo thời gian và ngay cả người đã tiêm đủ các mũi vẫn có thể nhiễm bệnh", ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, số ca nhiễm Covid-19 vẫn thấp hơn nhiều so với cúm mùa.
Hà Lan