0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 04/07/2025 19:45 (GMT+7)

Luật Thương mại điện tử sẽ bổ sung quy định với livestream

Theo dõi KT&TD trên

Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 117/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo quy định mới, các tổ chức vận hành sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán sẽ thay mặt hộ và cá nhân kinh doanh kê khai, khấu trừ và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh rằng đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho người kinh doanh nhỏ lẻ trên các nền tảng số.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng và nền tảng thương mại điện tử. Dữ liệu bao gồm mã số thuế, thông tin định danh cá nhân và tình trạng hoạt động kinh doanh của người bán nhằm phục vụ công tác thu – nộp thuế hiệu quả, chính xác và thống nhất.

Luật Thương mại điện tử sẽ bổ sung quy định với livestream
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cung cấp thông tin về việc về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh: VGP

Không chỉ dừng ở Nghị định 117, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Dự luật sẽ bổ sung các quy định quan trọng liên quan đến định danh điện tử, trách nhiệm của sàn đối với các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, đặc biệt là livestream bán hàng – hình thức đang phát triển mạnh nhưng còn nhiều lỗ hổng trong quản lý thuế.

“Luật sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý thuế với các mô hình thương mại điện tử mới và tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân kinh doanh thực hiện đúng nghĩa vụ thuế,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… đã phối hợp với cơ quan thuế ngay từ giai đoạn soạn thảo Nghị định 117 nhằm tránh tình trạng “thuế chồng thuế”. Đồng thời, họ cũng đề xuất các chính sách linh hoạt như hoàn thuế cho đơn hàng bị hủy, cân bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Khi Nghị định chính thức có hiệu lực, nhiều sàn đã đầu tư nâng cấp hệ thống kỹ thuật, dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ báo cáo thuế nhằm đảm bảo việc khấu trừ và kê khai được thực hiện tự động, chính xác và minh bạch. Song song đó, các chương trình truyền thông, hội thảo, tập huấn được đẩy mạnh nhằm phổ biến chính sách thuế tới người bán và hướng dẫn họ thực hiện đúng nghĩa vụ.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế địa phương để tổ chức thêm các đợt tập huấn, hướng dẫn các sàn và người bán hàng thực hiện đúng quy định. Việc chuẩn hóa dữ liệu, kiểm soát người bán chưa đăng ký kinh doanh hay chưa kê khai thuế cũng sẽ được đẩy mạnh.

Với các nền tảng thương mại điện tử, Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục tự động hóa quy trình trích thuế GTGT và TNCN, chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán, và hỗ trợ các trường hợp cần bổ sung thông tin thuế. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo quản lý toàn diện, hiệu quả và giảm thiểu thất thu thuế.

Đối với cộng đồng nhà bán hàng, đặc biệt là các cá nhân livestream bán hàng – đối tượng ngày càng phổ biến nhưng khó kiểm soát, Bộ Công Thương khuyến nghị chủ động cập nhật thông tin định danh, mã số thuế cá nhân, theo dõi hướng dẫn từ nền tảng và cơ quan thuế, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định như xuất hóa đơn, theo dõi doanh thu, thực hiện khấu trừ và nộp thuế đúng hạn.

Livestream bán hàng hiện nay đang là một kênh tiêu thụ hiệu quả, mang lại doanh thu lớn cho nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, hình thức này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc xác định doanh thu và nghĩa vụ thuế. Vì vậy, việc bổ sung quy định cụ thể về livestream bán hàng trong Luật Thương mại điện tử sắp tới sẽ là giải pháp quan trọng giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, dù Nghị định 117 chỉ vừa có hiệu lực, nhưng công tác chuẩn bị đã được triển khai nghiêm túc, bài bản và đồng bộ từ sớm. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thuế và người bán hàng để hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của kinh doanh số, góp phần xây dựng thị trường thương mại điện tử minh bạch, bền vững và hiệu quả.

T.An

Bạn đang đọc bài viết Luật Thương mại điện tử sẽ bổ sung quy định với livestream. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng, dầu giảm sâu
Giá xăng RON 95-III giảm so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 19.906 đồng/lít (giảm 1.210 đồng/lít).

Tin mới

Giá USD ngân hàng tiếp tục "nóng"
Giá USD tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, chạm mức cao kỷ lục mới. Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh cũng đã tái lập đỉnh từng đạt vào cuối tháng 4.
Siết quản lý dự án nhà ở xã hội: Chủ đầu tư phải công khai giá bán để người dân giám sát
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 201/2025/QH15 về giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Khúc bạch vải thiều: Khi món tráng miệng mùa vụ trở thành "ngôi sao" trên mạng xã hội hè 2025
Mỗi khi mùa hè đến, thị trường ẩm thực và đồ uống lại sôi động với sự lên ngôi của những món ăn, thức uống giúp giải nhiệt, mang đến cảm giác sảng khoái. Mùa hè năm 2025 cũng không ngoại lệ, và "ngôi sao" đang chiếm trọn sự chú ý của cộng đồng những người yêu ẩm thực chính là món khúc bạch vải thiều