Quy định chi tiết về hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về đăng ký doanh nghiệp, trong đó làm rõ các quy định liên quan đến hộ kinh doanh.
Nghị định này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh; quy định việc liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử; cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, khai thác và chia sẻ thông tin doanh nghiệp; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.

Theo đó, hộ kinh doanh có thể do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Trường hợp hộ gia đình cùng đăng ký, các thành viên phải ủy quyền bằng văn bản (được công chứng hoặc chứng thực) cho một người đại diện đứng tên hộ kinh doanh.
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị cấm hành nghề theo quyết định của Tòa án, hoặc thuộc diện không được thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đăng ký hộ kinh doanh là việc cá nhân thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho hộ kinh doanh dự kiến thành lập hoặc thực hiện thay đổi thông tin đã đăng ký.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, hoặc những người bán hàng rong, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố sẽ quy định mức thu nhập thấp áp dụng tại địa phương. Nếu có nhu cầu, các đối tượng này vẫn có thể đăng ký hộ kinh doanh.
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là văn bản bản giấy hoặc bản điện tử do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã cấp, xác nhận thông tin hộ kinh doanh và đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế. Giấy chứng nhận chỉ được cấp khi hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện: ngành nghề không bị cấm, tên đặt đúng quy định, hồ sơ hợp lệ và nộp đủ lệ phí.
Hộ kinh doanh được phép hoạt động từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, trừ trường hợp đăng ký ngành nghề có điều kiện. Nếu đăng ký ngày bắt đầu hoạt động sau ngày cấp, thì hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày đã đăng ký. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận mới, giấy chứng nhận cũ không còn hiệu lực.
Nếu sau thời hạn quy định mà Cơ quan đăng ký cấp xã không cấp Giấy chứng nhận hoặc không có thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì người thành lập hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền (nếu hộ kinh doanh do nhiều thành viên hộ gia đình thành lập). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký cấp xã sẽ cấp giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Trong 3 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, sẽ cấp Giấy chứng nhận và thông báo cho cơ quan thuế quản lý. Trường hợp không đủ điều kiện, phải có thông báo nêu rõ lý do và yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Các trường hợp từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh gồm: Hộ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký do vi phạm nhưng chưa khắc phục; hoặc đang trong tình trạng "Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký". Tuy nhiên, nếu hộ kinh doanh khắc phục được vi phạm hoặc đã được khôi phục trạng thái pháp lý, cơ quan cấp xã có thể xem xét giải quyết đăng ký.
Trong quá trình đăng ký, nếu có yêu cầu bằng văn bản từ Tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra... về việc không cho phép hộ kinh doanh thực hiện một số thủ tục, thì việc đăng ký sẽ bị tạm dừng cho đến khi có văn bản chấp thuận tiếp tục thực hiện.
Nghị định 168/2025/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần minh bạch, đơn giản hóa quy trình thành lập hộ kinh doanh và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh nhỏ lẻ trong nền kinh tế.
T.An