Con tàu kinh tế Việt Nam vững tay chèo trước sóng dữ
Năm 2022 là một năm khó khăn đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bởi các yếu tố toàn cầu như đại dịch, chiến tranh. Không nằm ngoài quỹ đạo của thế giới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn từ thời điểm sau đại dịch và kéo dài cho tới hiện tại.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự “chèo lái” con tàu kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang có hiệu quả với những quyết sách hết sức đúng đắn.
Thách thức và cơ hội đan xen
Sau đại dịch, kinh tế của nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó yếu tố lạm phát là một trong những đám mây đen bao phủ lên nền kinh tế của nhiều nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu. Yếu tố u ám đó của nền kinh tế như hiệu ứng cánh bướm lan tỏa đi khắp toàn cầu. Để đối phó với lạm phát, nhiều nước phải đưa ra các giải pháp ứng phó với tình trạng này, đặc biệt là các giải pháp tài khóa, tiền tệ.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang - FED liên tục phải tăng lãi suất biên độ lớn để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng Trung ương của châu Âu cũng dùng giải pháp này để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên đổi lại đó là rủi ro về một cuộc khủng hoảng kinh tế đang chực chờ, giá cả leo thang, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Và chắc chắn, những biện pháp kiềm chế lạm phát trong thời gian ngắn đó đã khiến các nước này phải đối mặt với sự giảm sút về tăng trưởng kinh tế. Một số nền kinh tế đối tác của Việt Nam phải đối mặt với lạm phát mức cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), EU (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%)…
Năm 2022, thế giới vẫn kỳ vọng vào sự phát triển sau khi vượt qua đại dịch, nhưng nhiều yếu tố khác đã ảnh hưởng đến tầm nhìn vĩ mô như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến tình hình chính trị, kinh tế của thế giới rơi vào bất ổn, lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng mạnh. Cũng trong năm 2022, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn lớn như môi trường quốc tế kém thuận lợi, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái hoặc suy giảm tăng trưởng. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia dù đã cải thiện song vẫn còn chậm, cùng với áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất ngày càng tăng, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề gặp khó khăn. Từ đó, một số động lực cho tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu, sản xuất công nghiệp) có dấu hiệu chững lại từ quý IV/2022 khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm.
Bước sang năm 2023 cũng một năm thách thức nhiều hơn cơ hội đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính, bất động sản Việt Nam nói riêng. Bên cạnh rủi ro từ bên ngoài, thách thức nội tại của kinh tế Việt Nam do khó khăn chung của kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập của doanh nghiệp và người dân có xu hướng khó khăn hơn. Cụ thể, tại một số quốc gia và khu vực, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, lực cầu xuất khẩu giảm có thể dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, lãi suất ở mức cao vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. Trong khi đó nợ xấu tiềm ẩn được dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới…
Nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP). Như vậy, sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế nước ta rất lớn. Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch COVID-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.
Với bối cảnh đó, có những dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự “chèo chống” của Chính phủ Việt Nam đang vô cùng tốt với những quyết sách hết sức đúng đắn. Nhìn vào Việt Nam giống như con tàu đang chòng chành trước sóng lớn, thế nhưng lại có sự chèo lái vững vàng. Nhờ sự chèo lái đó, kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo tăng trưởng khá (6 - 6,5%) - thấp hơn so với mức 8% năm 2022, lạm phát được kiểm soát ở mức 4 - 4,5% - mức thấp so với nhiều nước, tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan. Đáng nói, trước những yếu tố tiêu cực, Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước vào triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng cao.
Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực và thu được một số kết quả tích cực như đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế; nỗ lực và quyết liệt thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm; quyết liệt kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa mọi hoạt động kinh tế xã hội từ tháng 3/2022, các hoạt động kinh tế xã hội được diễn ra thông suốt.
Sản xuất, đầu tư và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt, giúp tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% - là mức cao nhất trong 25 năm qua. Lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu, ở mức 3,15%, hoạt động bán lẻ tiếp tục phục hồi mạnh, cả năm tăng gần 20%. Xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại thặng dư 11,2 tỷ USD, góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Giải ngân FDI tiếp tục khả quan, đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi và có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2023-2025 dự báo ở mức khá 6-6,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 được dự báo có thể đạt được mức cao hơn, khoảng 6,5-7% nếu Việt Nam tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tốt hơn. Tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2020 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cũng khẳng định quyết tâm duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn này ở mức 7%/năm.
Chuẩn bị gì trước cơn sóng mới?
Để chuẩn bị cho những khó khăn chung mà thế giới có thể phải đối mặt, với một nền kinh tế như Việt Nam thì vấn đề cần đối mặt đầu tiên đó là những khó khăn đến từ bên trong. Chúng ta có thể gặp những khó khăn đầu tiên đến từ sự khủng hoảng cục bộ, từ các doanh nghiệp, ngân hàng đang có dấu hiệu suy thoái, sụp đổ trước khi thực sự đối mặt với khủng hoảng chung của thế giới. Đây cũng là phương thức mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng và định hướng rõ, để có thể thẩm thấu những khó khăn có thể xảy ra.
Với nền tảng hiện tại của Việt Nam, luôn giữ tâm thế vững vàng, lạc quan với một hệ thống chính trị tốt. Các chính sách của Chính phủ luôn được sự tin tưởng, đoàn kết một lòng để đưa đất nước đến sự phát triển phồn vinh. Từ đó, với các quyết sách tháo gỡ môi trường kinh doanh, xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại sẽ giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng vượt qua khó khăn. Việt Nam cũng cần nắm bắt xu thế để chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới để chuẩn bị cho tương lai. Đây là một định hướng có thể học hỏi từ một nước đi trước như Singapore. Trong thời gian tới, chúng ta cần chủ động hơn để thu hút đầu tư và thực sự sát cánh cùng họ để giải quyết các vấn đề.
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu hoặc dưới mục tiêu trước mắt. Tiếp đó, chúng ta có thể dùng các chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Cụ thể đó là các biện pháp giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho doanh nghiệp, cho người dân. Sau đó tăng cường, mở rộng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác. Ngoài ra, để có sự đồng bộ cùng xu thế mới, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự đổi thay của thế giới với công nghệ, xu thế mới có thể thay đổi cách nhìn hay cách phát triển của một ngành nghề như trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh…
Để có sự chuẩn bị cho các thách thức nói trên, hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển. Đây là một thế mạnh của Việt Nam, khi những cuộc làm việc của lãnh đạo Nhà nước luôn được đánh giá cao, với những góp ý, phát biểu vô cùng hợp lý. Hợp tác quốc tế không đơn thuần chỉ có lợi về kinh tế mà còn giúp cho hệ thống ổn định của thế giới, như một thành viên có trách nhiệm.
Quang Anh