Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023
Viện trưởng CIEM nhận định mặc dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện, cụ thể là quý I đạt 3,28%, quý II là 4,14% và 6 tháng đầu năm đạt 3,72%.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” được tổ chức hôm nay (10/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023". Báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP cho cả năm nay trong đó mức dự báo khả quan nhất là 6,46%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Theo đó, kịch bản 1 là: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối của các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 về các yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3: Lạc quan hơn với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa. Môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn. Ở kịch bản này, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, CIEM nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, cụ thể như: khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình; dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cũng theo Viện trưởng CIEM, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 1.357 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng đầu tư 6 tháng chỉ tăng 1,7%.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm 30/6 đạt 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ 2022 (27,7%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%) so với cùng kỳ 2022. Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện của FDI tăng 0,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu của cả nước gặp nhiều khó khăn. Tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1%. Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại ước đạt hơn 12,2 tỷ USD.
Tiến Hoàng