Kinh tế Việt Nam tích cực nhưng đối mặt với ''những cơn gió ngược''
Trong tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát hành báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Báo cáo này đã nhấn mạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, tuy nhiên cũng đưa ra những thách thức đang đối diện với Việt Nam.
Theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những áp lực bên ngoài, với cầu giảm và xuất khẩu giảm dẫn đến sự suy yếu của sản xuất công nghiệp. Điều này thể hiện rõ ở việc, tháng 4/2023, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều giảm mạnh, lần lượt là 17,1% và 20,5% so với tháng trước. Điều này được cho là do sức cầu giảm sút, đặc biệt là từ thị trường Mỹ và EU. Trong đó, xuất khẩu sang hai thị trường này giảm mạnh, tương ứng lần lượt là 22,1% và 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn đang duy trì sức mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng lại chậm lại, cho thấy nhu cầu vay mượn hiện đang giảm sút. Tháng 4, tăng trưởng tín dụng giảm xuống chỉ còn 9,2%, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách và giảm lãi suất cho vay, đồng thời thanh khoản thị trường cũng được dồi dào. Việc này cho thấy khả năng hấp thụ của nền kinh tế đang yếu đi.
Trong bối cảnh đó, WB lưu ý Việt Nam theo dõi xu hướng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu. Điều này đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài.
WB cho rằng, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi. Về dài hạn, giải pháp này cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Gần nhất, WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 6,3%, thấp hơn dự báo trước đó là 6,7%. Nguyên nhân, theo WB là do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,8% và ở mức 6,9% trong năm 2024.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay giảm nhẹ. Cụ thể, ADB đánh giá, sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.
"Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu", chuyên gia ADB nhận định.
Bảo An