0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 21/07/2023 10:15 (GMT+7)

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam - Malaysia

Theo dõi KT&TD trên

Chiều 20/7, ngay sau Lễ đón chính thức tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam Malaysia
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: VGP

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Ngài Anwar Ibrahim thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Thủ tướng chúc mừng Malaysia đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt tăng trưởng GDP năm 2022 cao nhất trong 22 năm qua; bày tỏ tin tưởng Malaysia sẽ thực hiện thành công chiến lược "Malaysia Mandani" do Thủ tướng Anwar khởi xướng, trở thành nước có thu nhập cao, phát triển bền vững.

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam Malaysia
Toàn cảnh cuộc hội đàm.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu phía Việt Nam dành cho đoàn; nhấn mạnh ông luôn lưu giữ những tình cảm tốt đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như khâm phục công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước của Việt Nam trước đây; đồng thời đánh giá cao những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19. Nhân dịp này, Thủ tướng Anwar Ibrahim trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia.

Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt sau khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược năm 2015. Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng được củng cố thông qua duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; cũng như việc triển khai hiệu quả cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì.

Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới; nằm trong nhóm 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 như du lịch, lao động, giáo dục-đào tạo đã phục hồi mạnh mẽ.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Malaysia đạt hơn 14,8 tỷ USD năm 2022, tăng 17,9% so với năm 2021. Sang nửa đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt gần 6,1 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 2,5 tỷ USD và nhập khẩu gần 3,6 tỷ USD từ Malaysia, giảm lần lượt 19% và 26%.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nghị viện; xem xét xây dựng cơ chế hai Thủ tướng gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hoặc định kỳ dưới các hình thức linh hoạt tại các diễn đàn đa phương; sớm thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác chuyên ngành đã ký kết.

Đồng thời, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có tiềm năng và thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng; tận dụng tốt cơ hội từ các thỏa thuận thương mại khu vực như RCEP, CPTPP; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia, đồng thời đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thúc đẩy ký kết các văn kiện liên quan; trao đổi về thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, đào tạo; thiết lập cơ chế hợp tác giữa lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển hai nước; phối hợp phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường phối hợp đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động; nhấn mạnh không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam Malaysia
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia ủng hộ Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh: VGP

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác biển và đại đại dương; xem xét việc thành lập cơ chế tham vấn về các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia ủng hộ Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác; theo đó xem xét sớm ký mới các hiệp định hợp tác hàng không và du lịch; tăng cường tần suất chuyến bay; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, nông nghiệp, văn hóa, thể thao.

Trao đổi về hợp tác đa phương và khu vực, hai bên đánh giá cao việc hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế; nhất trí phối hợp với các nước ASEAN khác bảo đảm đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; cùng đề xuất các sáng kiến phù hợp để hiện thức hóa các ưu tiên của ASEAN 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ Malaysia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2025.

Hai Thủ tướng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; tiếp tục phối hợp trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giai đoạn tiếp theo; đóng góp tích cực để bảo đảm xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam Malaysia
Hai Thủ tướng cùng chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ký 2 văn kiện hợp tác

Sau hội đàm, hai Thủ tướng cùng chứng kiến Lễ ký 2 văn kiện giữa hai nước, gồm: Biên bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật; và Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia.

Thanh Phong

Bạn đang đọc bài viết Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam - Malaysia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Rạng sáng nay 20/11, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước niêm yết giữ 24.293 đồng/USD. Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ thay đổi giá mua và vẫn giữ giá bán ở 25.507 đồng. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,37 điểm.
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.