Coi thường pháp luật, coi chừng nhận án phạt kịch khung 01 tỷ đồng
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có nhiều điểm mới trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt là việc tăng mức phạt kịch khung 01 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, đặc biệt là những vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân như lĩnh vực kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm như: Không công khai đầy đủ thông tin khi giao dịch bất động sản; đưa bất động sản vào kinh doanh nhưng không đảm bảo các điều kiện theo quy định; thu tiền đặt cọc của khách hàng mua nhà chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị của hợp đồng mua bán...
Từ đó, Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (dự thảo Nghị định) theo hướng tăng mức tiền phạt kịch khung đối với một số hành vi vi phạm, ngoài ra áp dụng xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả để đảm bảo tính răn đe, hạn chế hậu quả của hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Theo Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 01 tỷ đồng (kịch khung) (áp dụng đối với tổ chức). Trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 200 triệu đến tối đa là 01 tỷ đồng.
Cụ thể, 800 triệu đến 01 tỷ đồng là mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với 04 hành vi vi phạm như sau:
Hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định đã được quy định xử phạt tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 100 triệu đến 120 triệu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư che giấu thông tin dự án đã bị đem đi thế chấp ngân hàng, dẫn đến người mua nhà do chưa đủ thông tin nên vẫn ký hợp đồng mua bán, đến khi bị ngân hàng phát mại tài sản mới biết căn nhà mà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Trước những thông tin do dư luận xã hội phản ánh, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất tách riêng hành vi này và điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 120 triệu lên đến 01 tỷ đồng đối với hành vi không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định, ngoài ra còn yêu cầu chủ đầu tư phải công khai thông tin theo quy định và đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản. Đây là mức phạt tối đa (kịch khung) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.
Hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định thì Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã quy định xử phạt đối với hành vi này. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn có các chủ đầu tư cố tình đưa dự án vào kinh doanh, bán cho khách hàng khi thiếu các điều kiện về khởi công, về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, công trình chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng... Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi này từ 600 triệu đồng lên tối đa là 01 tỷ đồng.
Ngoài hai hành vi nêu trên, hành vi chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản trong dự án bất động sản không đảm bảo các điều kiện theo quy định và hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản khi dự án bất động sản chuyển nhượng mà bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hiện nay dự thảo quy định mức phạt kịch khung là 01 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý, dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 600 triệu đến 800 triệu đối với hành vi chủ đầu tư ký văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định, đồng thời bổ sung xử phạt từ 200 triệu đến 260 triệu đồng đối với hành vi chủ đầu tư dự án bất động sản thu tiền đặt cọc từ bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định, nhằm khắc phục tình trạng chủ đầu tư ký với khách hàng bằng nhiều hình thức như phiếu đặt cọc, giữ chỗ để mua căn hộ dự án.
Tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, số tiền đặt cọc chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị hợp đồng mua bán, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Nhiều chủ đầu tư lại cho rằng việc đặt cọc không vi phạm pháp luật về xây dựng, nhà ở, mà thuộc trường hợp đặt cọc theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi thu tiền đặt cọc từ bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả phần tiền đặt cọc vượt quy định.
Tiếp đó, mức phạt tiền từ 400 triệu đến 600 triệu được áp dụng đối với hành vi: chủ đầu tư dự án bất động sản không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như: Buộc công khai thông tin theo quy định, buộc lập lại hợp đồng gắn với quyền sử dụng đất, buộc trả lại bên cho bên mua các loại phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản; buộc hoàn trả phần tiền đặt cọc vượt quy định; buộc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định...
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản, dự thảo bổ sung một loạt các hành vi vi phạm như: Sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với cá nhân môi giới bất động sản không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; sàn giao dịch bất động sản hoạt động không có giấy phép hoạt động; người điều hành sàn giao dịch bất động sản không có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản và chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định; sàn giao dịch bất động sản không niêm yết, không cung cấp thông tin hoặc niêm yết, cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ thông tin bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định; sàn giao dịch bất động sản không xác nhận hoặc xác nhận không đúng đối với các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua hình thức thư điện tử theo quy định; kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, tư vấn, dịch vụ quản lý bất động sản khi thông tin về doanh nghiệp chưa được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định...
Bộ Xây dựng kỳ vọng những nội dung được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh trong dự thảo Nghị định lần này sẽ siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh và có tính răn đe, góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để hướng tới bình ổn an ninh trật tự, an toàn xã hội.