Cơ hội cho gạo Việt khi Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo
Trước thông tin "ông lớn" xuất khẩu gạo - Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu mặt hàng này thì gạo Việt Nam và Thái Lan đua nhau tăng giá và neo ở mức cao.
Những ngày gần đây, thị trường gạo toàn cầu tiếp tục “dậy sóng” bởi thông tin Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo thế giới - đang xem xét cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải basmati (loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ).
Hiện Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là 3 “ông lớn” xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Song, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Ấn Độ đang ổn định lần lượt ở mức 493 USD/tấn và 473 USD/tấn. Trong khi, giá gạo Việt Nam và Thái Lan đua nhau tăng mạnh.
Cụ thể, ngày 18/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 528 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với ngày 13/7 (thời điểm trước khi Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo), còn so với ngày 30/5 tăng tới 20 USD/tấn. Gạo 25% tấm của nước ta cũng vọt lên mức 508 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với ngày 13/7.
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của công ty đang cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất. Trong khi đó, cũng do El Nino, ảnh hưởng mùa màng, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm vừa qua.
"Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại khiến chúng ta có lợi thế rất lớn về xuất khẩu", ông Bình nói.
Theo đánh giá, Ấn Độ cấm xuất khẩu là một cơ hội cho gạo Việt Nam và Thái Lan có thể bán được cao giá hơn. Đồng thời tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa tăng thêm do năng suất tăng từ vụ đông xuân 2023. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới
Các doanh nghiệp ngành gạo ở nước ta cũng nhìn nhận, nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thực thi, nguồn cung gạo toàn cầu ảnh hưởng, giá sẽ tăng mạnh. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới nên sẽ có lợi thế trong xuất khẩu, đặc biệt về vấn đề giá bán.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), dẫn chứng, năm 2008, có thời điểm giá gạo vọt tăng lên gần 1.000 USD/tấn do lượng dự trữ giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng khi nguồn cung trên thế giới bị sụt giảm.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,24 triệu tấn gạo, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất 10 năm qua của hạt gạo Việt.
Hương Trà