Ứớc tính xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt khoảng 8 triệu tấn
Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gạo tăng trưởng bất chấp hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột chính trị, lạm phát và suy thoái kinh tế. Nhiều dự báo khả năng Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo các loại trong năm nay.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam "neo" ở vùng giá cao
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua. Đáng chú ý, tính riêng tháng 6 vừa qua, giá gạo xuất khẩu bình quân lên tới 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 trước đó và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội lương thực, ngày 13/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã lên mức 513 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với đầu tháng 7.
Bộ Công Thương đánh giá, giá gạo Việt Nam tiếp tục neo ở vùng giá cao khi nhu cầu trên thế giới cao, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do vụ thu hoạch cũ đã kết thúc. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.
Thời gian gần đây, những thông tin về việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo đang được doanh nghiệp theo dõi sát sao. Bởi Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua thì giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.
Về thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến. Vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong khi giá gạo phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung. Cung khan hiếm sẽ đẩy giá gạo lên cao, vấn đề này đã từng xảy ra thời điểm năm 2008.
Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể thiết lập kỷ lục mới?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong năm 2023 - 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Mới đây, tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 6/7, sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp báo cáo, trình bày ý kiến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về 4 tỷ USD.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi cầu vượt cung, các thị trường lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia vẫn đang mở thầu mua gạo dự trữ.
Tuy nhiên bà Tâm cho rằng xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ khó đạt mốc kỷ lục 8 triệu tấn bởi chúng ta phải đảm bảo có một lượng dự trữ tồn kho, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cân đối nguồn cung xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.
“Mọi năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo. Thị trường thuận lợi và chúng ta đều kỳ vọng vào con số 8 triệu tấn, tuy nhiên nếu mục tiêu quá cao thì sẽ khó thực hiện được. Chúng ta nên đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 6,5 triệu tấn, còn nếu kết quả cuối cùng cao hơn là điều tốt. Còn mức 8 triệu tấn sẽ khó khả thi”, bà Bùi Thị Thanh Tâm nói.
Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay. Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Đồng thời, Bộ đang điều hành đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Bàn về giải pháp tăng giá trị cho gạo Việt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến câu chuyện về sản xuất lúa gạo của Nhật Bản, từ trồng trọt đến thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ gạo. Khi Việt Nam mới chỉ trồng lúa và xuất khẩu gạo, người Nhật làm kinh tế ngành hàng lúa gạo, tức từ lúa sang gạo, sản phẩm sau gạo là bột, sau bột là bánh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo doanh nghiệp không nên khóa chặt ở từ khóa truyền thống như gạo mà cần tính tới các sản phẩm giá trị gia tăng, từ đó người nông dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
Trung Anh (t/h)