0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 11/11/2023 09:10 (GMT+7)

Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm, thị trường Tết

Theo dõi KT&TD trên

Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Vì vậy, nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã chủ động xây dựng các kế hoạch thu mua và dự trữ hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân.

Được dự báo nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện nay các địa phương, đặc biệt là 2 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội và TP.HCM đã lên kế hoạch cụ thể để sớm triển khai Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến một số địa phương, trong đó có Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm vào thị trường Hà Nội. Bên cạnh việc tiếp tục kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, song song với đó sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này.

Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai Đề án tăng cường quản lý cửa hàng trái cây với mục đích cấp biển nhận diện cửa hàng theo yêu cầu của đề án chuyên doanh về trái cây. Trong tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hóa địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ nhân dân. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.

Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm, thị trường Tết

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng.

Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn,…Bên cạnh đó còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn. Có thể thấy, với hệ thống cung ứng hàng hóa rộng khắp trên địa bàn thành phố dịp Tết sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng của năm đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Theo đánh giá, 9 tháng qua thị trường trong nước ổn định, nguồn cung các hàng hóa bảo đảm.

Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Riêng mặt hàng gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng giảm đan xem theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Tại TP.HCM, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ luôn chiếm từ 20-30% cả nước, thành phố được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Sở Công Thương thành phố cho biết, trong quý III/2023, Sở Công Thương đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá, trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%.

Năm nay người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm nên chủ trương của TP là ngoài cố gắng bình ổn giá bán, tăng khuyến mãi với nhiều chương trình khuyến mãi có quy mô lớn, thời gian kéo dài hơn các năm nhằm kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các đợt khuyến mãi tập trung. Trong ba tháng cuối năm 2023, UBND TP.HCM xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá, rà soát, tập trung phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường , kịp thời đề xuất giải pháp quản lý, điều hành về giá, ổn định đời sống người dân.

Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm, thị trường Tết

Thành phố sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Ảnh: TL.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản,… Thành phố sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành để có nguồn hàng hóa dịp cuối năm bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá bình ổn nhất cho người tiêu dùng.

Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo với UBND các tỉnh thành phố và Sở Công Thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời, khuyến nghị các Sở Công Thương cần sớm đăng ký các mặt hàng thế mạnh của địa phương, sản lượng cụ thể để chủ động điều phối tiêu thụ, tránh tình trạng lãng phí, gây thất thoát rủi ro cho doanh nghiệp và bà con nông dân.

Đặc biệt, nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán… nhằm phân phối hàng hóa cho thị trường với giá cả hợp lý.

Thu Huyền

Bạn đang đọc bài viết Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm, thị trường Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

5 Tiệm bánh Trung thu nức tiếng Hà thành
Dù bánh Trung thu hiện đại với muôn vàn hương vị mới lạ ngày càng phổ biến, những thương hiệu bánh truyền thống tại Hà Nội vẫn giữ vững vị thế, thu hút đông đảo thực khách mỗi độ thu về.
Uống trà xanh như thế nào để có sức khỏe tốt?
Trà xanh là một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày và đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Uống trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, nó cũng có thể gây hại.
Mưa lớn kéo dài, giá rau xanh tăng vọt
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay khiến giá rau tại các chợ trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá. Trong đó, các loại rau ăn lá và rau gia vị có mức giá tăng mạnh nhất.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.