Hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng trở lại
Thời điểm cuối năm, dù vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường vận tải biển của nước ta cũng đang dần khởi sắc.
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, 10 tháng của năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Theo đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 624,559 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1%, nhưng hàng nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 5%.
Trong 9 tháng năm 2023, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 565 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3%. Trong đó, hàng xuất khẩu giảm 1%, đạt hơn 132 triệu tấn; hàng nhập khẩu tăng 5%, đạt hơn 165 triệu tấn. Hàng nội địa cũng tăng 3%, đạt hơn 264 triệu tấn và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2 triệu tấn tấn.
Hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng trở lại. Ảnh: BGT.
Đáng chú ý, sau nhiều tháng giảm, một số khu vực đã có sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trở lại như TP.HCM tăng 2,72%; Quảng Ninh tăng 4,8%; Hải Phòng tăng 0,8% so với cùng kỳ. Một số khu vực có khối lượng hàng hóa tăng như Nha Trang tăng 16,86%, Nghệ An tăng 17%, Đồng Nai tăng 10%, Cần Thơ tăng 29%, Bình Thuận tăng 21%. Có những khu vực có hàng thông qua nhỏ như Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế lại tăng mạnh, lần lượt tăng 59% và 44,21% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có một khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua cao như Vũng Tàu giảm 2%, nhưng đây cũng là mức giảm thấp hơn so với các tháng trước.
Đối với khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển (tính theo Teus), tuy còn giảm, song mức giảm đã thấp hơn nhiều so với những tháng trước. Cụ thể, khối lượng hàng container thông qua cảng biển trong 9 tháng năm 2023 giảm 3% với cùng kỳ năm 2022, đạt 18,36 triệu Teus. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển 10 tháng đầu năm 2023 cũng giảm khoảng 3%, ước đạt 20,29 triệu Teus.
Với hàng container, một số khu vực có khối lượng hàng container thông qua tăng như: Đồng Tháp tăng 68%, Quy Nhơn tăng 21,28%, Đồng Nai tăng 21%; Nghệ An tăng 10% cùng kỳ năm trước. Dù vậy, các khu vực có khối lượng hàng container thông qua lớn như Tp. Hồ Chí Minh còn giảm nhẹ 3,7%, Vũng Tàu giảm 11%, Hải Phòng giảm 1,7%.
Để hỗ trợ ngành cảng biển vượt khó thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam gần đây đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018, trong đó, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền, đề xuất có hiệu lực từ năm 2024.
Cụ thể, đối với hầu hết các cảng, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ. Còn đối với một số cảng nước sâu lớn (đón được tàu trọng tải trên 160 nghìn DWT) giá sàn được điều chỉnh tăng thêm khoảng 10%. Điều này sẽ làm tăng biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng của các cảng biển với cùng một lượng container thông qua cảng. Việc tăng giá sàn đối với phí nâng hạ container, vốn thường chiếm 60-70% doanh thu cảng biển được các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành dành nhiều mối quan tâm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng đề nghị cần khắc phục nhanh tình trạng khó khăn hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng biển nạo vét, duy tu độ sâu trước bến theo nhu cầu bảo đảm an toàn hàng hải của hệ thống cảng biển quốc gia; xem xét nhu cầu nạo vét duy tu độ sâu trước bến cảng; ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông. Nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển; có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, điều tiết thị trường có yếu tố nước ngoài cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn để tổ chức thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.
Đức Minh