Cần chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh bất động sản
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh bất động sản, và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 23/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) hoàn thiện được kỳ vọng sẽ tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý thị trường bất động sản, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Góp ý về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhất trí cao sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ của Chính phủ.
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu và thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này trên tinh thần Nghị quyết số 11 năm 2017, Nghị quyết số 18 năm 2022, đặc biệt là giải quyết 8 nhóm vấn đề tồn tại trong kinh doanh bất động sản hiện nay nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, lành mạnh, an toàn, bền vững theo cơ chế thị trường.
Trong đó, về nguyên tắc kinh doanh bất động sản tại Điều 4, đại biểu đề nghị bỏ từ “tự do” trong “tự do thỏa thuận” vì dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau trong hướng dẫn của dự thảo luật.
Đồng thời đề nghị khoản 3 Điều này sửa lại là: kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch, trung thực thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh”. Nội dung này tương thích với quy định tại Điều 7 về công khai thông tin bất động sản.
Liên quan đến các hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”. Đặc biệt cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm, và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.
ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 4 với các hành vi “gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh bất động sản”; bổ sung khoản 5 Điều 4 về thực hiện các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao dịch. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc bổ sung này cũng tương thích tại các Điều 19,20,21,22 của dự thảo Luật.
Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản tại khoản 4 Điều 4, đại biểu bày tỏ đồng tình nhưng đề nghị bổ sung thêm ý: “trừ trường hợp bên tham gia hợp tác, liên danh cùng có tên được công nhận là đồng chủ đầu tư trong giấy chứng nhận chủ đầu tư” để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư cho phép hình thức hợp tác đầu tư liên danh.
Ngoài ra, tại khoản 7, để đảm bảo chặt chẽ quyền lợi khách hàng, cần bổ sung công đoạn nghiệm thu vào điều kiện cho rõ ràng hơn và sửa lại là: “chỉ được phép bàn giao nhà ở cho khách hàng sau khi đã hoàn thành nghiệm thu việc xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.
Thực tế, quy định về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai theo luật hiện hành đang quá chú trọng vào nhà ở mà thiếu chi tiết, chặt chẽ đối với công trình xây dựng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật như lý do trong Tờ trình của Chính phủ.
Nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản là rất cần thiết, đại biểu cho rằng, cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà. Đại biểu phản ánh, thời gian qua, không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng, khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng.
Liên quan đến nội dung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng kinh doanh bất động sản, đại biểu Mai cho biết, hiện nay hiệu lực của hợp đồng liên quan đến vấn đề này có một số quy định khác nhau. Cụ thể, là giữa dự thảo Luật này với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Do đó, những vấn đề có liên quan đến hiệu lực hợp đồng, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy định pháp luật, tránh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định nhằm đảm bảo tính phù hợp với các luật khác cũng như một số Luật có liên quan. Ví dụ như dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)... đang được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp này.
Lan Anh