0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 22/01/2024 07:30 (GMT+7)

Cấm bán thuốc qua livestream, mạng xã hội để đảm bảo chất lượng, trong sạch thị trường

Theo dõi KT&TD trên

Sau khi Bộ Y tế đề xuất cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website nhiều chuyên ra bày tỏ quan điểm đồng tình.

Theo đó, nếu bán thuốc qua livestream tức là vận chuyển đến nhà theo hình thức giao hàng, như vậy việc bảo quản thuốc không phù hợp với tiêu chuẩn, không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Livestream bán thuốc qua mạng xã hội là vi phạm?

Thời gian qua, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Người bán dễ dàng, người mua cũng "dễ tính", chỉ thông qua những lời quảng cáo và phản hồi từ các bình luận là sản phẩm có thể đến tay người bệnh.

Theo đó, mỗi tối có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn livestream bán hàng là thuốc, TPCN. Trong những livestream này có đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng, từ cá nhân, người nổi tiếng cho đến những người mặc áo blouse trắng giống dược sĩ... khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng vào các loại thuốc, TPCN được chào bán.

Thực tế, việc livestream, quảng cáo tràn lan bán thuốc và thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đã nhiều lần được phản ánh, nhưng "vấn nạn" này vẫn diễn biến phức tạp. Do đây vẫn là "mảnh đất màu mỡ" khiến không chỉ các nhà thuốc đẩy mạnh bán hàng online, nhiều cá nhân cũng công khai vi phạm, chào bán các loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán.

Theo nhiều chuyên gia, đây là xu thế chung khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động livestream, quảng cáo đối với thuốc, do đây là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Cấm bán thuốc qua mạng xã hội livestream để đảm bảo chất lượng trong sạch thị trường
Tình trạng livestream bán thuốc, TPCN phát triển nhanh thời gian vừa qua.

Thông tin với báo chí, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Tuy nhiên, đối với các cơ sở bán lẻ thuốc đã có các quy định về điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất, người chịu trách nhiệm chuyên môn và quy trình tư vấn bán thuốc. Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý dược khẳng định, các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.

"Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Hiện, quy định kinh doanh thuốc online chưa thực sự cụ thể. Tuy nhiên, việc cá nhân tự phát kinh doanh thuốc online là không đúng quy định. Do việc kinh doanh bán lẻ thuốc phải đáp ứng về điều kiện kinh doanh, trong khi đó những quy định này chỉ dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc", đại diện Cục Quản lý Dược cho hay.

Đối với nhà thuốc, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, những cơ sở này có thể đưa các thông tin về thuốc lên mạng, tuy nhiên nếu thông tin được truyền tải theo dạng quảng cáo thì cần tuân thủ nghiêm các quy định về quảng cáo thuốc của Bộ Y tế.

Đề xuất cấm bán thuốc theo hình thức livestream

Vừa qua, Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định chi tiết về việc kinh doanh thuốc qua hệ thống thương mại điện tử. Cục Quản lý Dược cho biết, hiện đơn vị đang tổ chức nghiên cứu để khi dự án Luật này có hiệu lực, Cục sẽ kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về kinh doanh thuốc online với các cơ sở kinh doanh, bán lẻ thuốc.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Y tế), cơ sở kinh doanh dược phẩm khi bán hàng trên trang thương mại điện tử có thể đăng một số thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý. Đó là bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt và một số nội dung quảng cáo khác.

Hiện nay, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Có công ty dược phẩm tổ chức phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, bán được hàng nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối với hình thức bán hàng này.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet quy định chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream và hoạt động có phát sinh doanh thu. Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm...

Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược.

Cấm bán thuốc qua mạng xã hội livestream để đảm bảo chất lượng trong sạch thị trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế cấm bán thuốc theo hình thức livestream là cần thiết để đảm bảo chất lượng, trong sạch thị trường.

Cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream để đảm bảo chất lượng, trong sạch thị trường

Liên quan đến đề xuất này trong dự án Luật, trao đổi với báo chí, ĐBQH Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh mua thuốc là phải theo đơn thuốc, các nhà thuốc ngay cả các nhà thuốc bán tự do cũng có sự quản lý của ngành y tế, quầy thuốc tuân thủ theo quy định, có hệ thống GMP (thực hành sản xuất tốt - PV), khi mua thuốc thì phải theo đơn của bác sĩ.

“Quầy thuốc hiện nay đã nối mạng ở toàn quốc, cho nên các quầy thuốc khi bán thuốc theo đơn thì đã có sự quản lý tập trung”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, nếu bán thuốc livestream qua mạng tức là vận chuyển đến nhà theo hình thức giao hàng, như vậy hình thức vận chuyển, bảo quản thuốc không phù hợp với tiêu chuẩn, không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

“Tôi cho rằng, theo đề xuất của Bộ Y tế cấm bán thuốc theo hình thức livestream là đúng. Bởi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định bệnh nhân sử dụng thuốc phải có đơn của bác sĩ tiêu chuẩn về chuyên môn. Cùng với đó, khi bán thuốc thì hệ thống quầy thuốc có sự quản lý, theo dõi của Bộ Y tế. Thêm vào đó, theo nguyên tắc bệnh nhân cũng không thể tự nghe livestream rồi tự mua thuốc về uống, uống thuốc là phải có kê đơn”, ông Hiệp nói và nhấn mạnh thêm riêng đối với thuốc thì không phù hợp bán livestream.

Bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, AHLĐ.GS. Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu quan điểm, TMĐT là xu thế, hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng lộn xộn, bát nháo ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc và niềm tin của nhân dân. Theo đại biểu, tình trạng lộn xộn trên cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Liên quan tới việc các cơ quan đang chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật Dược, trong đó có quy định cấm bán dược phẩm trên MXH, livestream trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày tỏ rất tán thành. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, khi sửa đổi phải có tầm nhìn xa hơn bởi có thể một thời gian nữa các hình thức bán hàng trực tuyến có thể phát triển mạnh mẽ, thay đổi rất nhiều.

"Chúng ta không cấm bán hàng qua mạng nhưng phải đưa vào khuôn khổ, trật tự, có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt bởi thuốc là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng khi thực hiện bán hàng qua MXH cần có quy định bắt buộc công khai địa chỉ, trụ sở kinh doanh rõ ràng. Trường hợp cần thiết, người dân có thể xem, trao đổi, mua bán, thậm chí đổi trả hàng.

GS. Nguyễn Anh Trí nói thêm: "Tôi có mua một chiếc dao cạo râu điện trên MXH, khi nhận hàng tôi thấy họ đóng gói rất cẩn thận, nhưng khi sử dụng chỉ được đúng duy nhất 1 lần phải vứt đi. Lúc liên hệ nhà bán hàng thì không thể liên lạc, kết nối được. Các mặt hàng này mình có thể vứt đi, chấp nhận mất tiền nhưng đối với thuốc thì nếu người dân không tìm hiểu khi uống vào cơ thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe".

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: "Tôi hoàn toàn đồng ý trước đề xuất của cơ quan soạn thảo liên quan đến quy định cấm bán dược phẩm trên các nền tảng MXH, livestream trực tuyến". Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thuốc là hàng hóa đặc biệt, không thể tự do mua bán. Đồng thời, nếu bán trên MXH và livestream sẽ khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng.

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, có cấm triệt để tình trạng trên được hay không thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Cấm bán thuốc qua livestream, mạng xã hội để đảm bảo chất lượng, trong sạch thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời khi uống trà xanh mỗi ngày
Trà xanh không chỉ là thức uống truyền thống mà còn là "siêu thực phẩm" tự nhiên với nhiều lợi ích tuyệt vời. Từ bảo vệ làn da, cải thiện sức khỏe tim mạch, đến tăng cường trí não, hãy khám phá 8 lý do bạn nên uống trà xanh mỗi ngày!
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Cơn sốt trà đặc sản khuấy đảo giới trẻ
Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của một xu hướng mới: trà đặc sản. Không còn là những ly trà sữa béo ngậy, giới trẻ đang dần chuyển sang ưa chuộng những ly trà nguyên bản, đậm vị, được chế biến từ những dòng trà cao cấp của Việt Nam.
Mocktail: Linh hồn của những bữa tiệc không cồn
Đồ uống luôn đóng vai trò quan trọng, giúp kết nối mọi người và nâng cao không khí vui tươi. Nhưng không phải ai cũng thích hoặc có thể sử dụng đồ uống có cồn. Đó là lý do Mocktail - cocktail không cồn ra đời và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” trong các buổi tiệc hiện đại.

Tin mới

Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.