Các chiêu trò, rủi ro gian lận trong thanh toán số
Trong thời đại số hóa, việc chuyển tiền qua ngân hàng trở nên phổ biến hơn. Cùng với đó, nhiều kẻ gian đã sử dụng các chiêu trò hết sức tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng. Dù đã tăng cường cảnh giác, nhiều nạn nhân vẫn "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh sự phát triển, ngành ngân hàng, tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tóm lược có 2 loại hình thức: thứ 1 mạo danh, thao túng tâm lý của người dân. thứ 2 là lừa đảo, chiếm đoạt thông tin đăng nhập, qua đó sử dụng trái phép tài khoản của người bị chiếm dụng".
Với ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhận định:"Chúng ta đang đối mặt với loại tội phạm ngày càng gia tăng với phương pháp và thủ đoạn tinh vi. Bị hacker chiếm quyền và ăn cắp quyền. Hiện nay, vấn đề bảo mật, an ninh là rất quan trọng. Nếu không đảm bảo được thì rất dễ bị mất tiền trong tài khoản".
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng. Cũng trong thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam với tổng số tiền người dân bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.
Có thể kể đến một số thủ đoạn lừa đảo điển hình như hoạt động Lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông. Theo đó, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử thông qua SIM điện thoại bằng cách yêu cầu người dùng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G hoặc 5G để nâng cao chất lượng truy cập internet.
Sau đó, kiểm soát SIM điện thoại của người dùng, chuyển hướng mọi cuộc gọi và tin nhắn OTP đến số điện thoại của đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của bị hại. Hay giả mạo việc chuẩn hóa thông tin số điện thoại, tài khoản ngân hàng, kê khai khấu trừ thuế, định danh tài khoản điện tử VneID.
Ông Nguyễn Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, hiện nay có các dạng lừa đảo phổ biến như chiếm tiền trực tiếp của khách hàng bằng cách giả mạo tài khoản người khác, đánh vào tâm lý, lợi dụng sự tin tưởng để lừa đảo bạn bè người thân của họ chuyển tiền. Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo cơ quan chức năng, đánh vào tâm lý, sự sợ hãi hoặc lòng tham để lừa đảo ép chuyển, hoặc chiếm đoạt tài khoản, thông tin xác thực. Kẻ lừa đảo thường lợi dụng các “trend” như kỳ quyết toán thuế để lừa đảo cài phần mềm thuế, hay dịch vụ công.
“Các đối tượng thường giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện giới thiệu chương trình miễn phí thẻ thường niên, tăng hạn mức thẻ, ưu đãi. Sau đó kết bạn zalo và gửi link website giả mạo, chiếm đoạt các thông tin xác thực, thông tin thẻ, mã OTP - từ đó chiếm đoạt tiền” - ông Long cho hay.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho hay, các đối tượng lừa đảo, chiếm dụng tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, có phân công cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.
Những đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài thành lập những nhóm chuyên để chiếm đoạt tài sản qua mạng. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên chia sẻ, cập nhật kịch bản, triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sự sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.
PGS.TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, các ngân hàng hay doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học để phát hiện gian lận.
Một giải pháp nữa được ông Trần Hùng Sơn đưa ra, đó là tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin gian lận giữa các bên liên quan: "Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các hình thức thanh toán số mới cũng là một thách thức đặt ra cho công tác bảo mật. Vì vậy, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số và ngăn ngừa rủi ro gian lận. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật cho người dùng cũng rất quan trọng, góp phần ngăn chặn lừa đảo khi ứng dụng di động ngày càng trở thành mục tiêu ưa thích của kẻ gian".
Cục A05 đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo. Trước hết, tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ.
Tiến Hoàng