0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 25/10/2024 06:54 (GMT+7)

BĐS tại các địa phương: Nơi thiếu không làm, nơi thừa không bán được

Theo dõi KT&TD trên

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được.

Nội dung này được nêu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, diễn ra vào ngày 24/10.

Vì sao giá bán bất động sản tăng?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung của thị trường bất động sản mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khá hạn chế. Cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung-cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Trong đó, nhà ở thương mại (chung cư, nhà ở riêng lẻ) đang triển khai xây dựng 939 dự án với quy mô khoảng 426.158 căn; có 33 dự án với quy mô khoảng 9.101 căn đã hoàn thành; 60 dự án với quy mô khoảng 31.673 căn được cấp phép mới.

Đất nền đang triển khai xây dựng 528 dự án với quy mô khoảng 65.321 ô/nền, có 48 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 4.537 ô/nền; được cấp phép mới 24 dự án với quy mô khoảng 5.456 ô/nền.

Tính đến ngày 31/8/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng (tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước).

Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM và các đô thị lớn... Nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM còn thiếu.

Tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời...

Theo Bộ Xây dựng, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây, cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất làm nhà ở xã hội, có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn (hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn).

Tuy nhiên, mới có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định, cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.

Tháo gỡ thị trường BĐS tạo tăng trưởng cho 60 ngành nghề

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm, nếu tháo gỡ thị trường bất động sản thì có thể tạo động lực tăng trưởng cho khoảng 60 ngành, nghề liên quan. Hai nội dung địa phương cần triển khai sớm là phê duyệt quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn; chuẩn bị thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

"Để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất", Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nói và đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hiện tượng "tạo giá ảo", thổi giá, đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để trục lợi.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản phải gặp nhau theo nguyên tắc "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" để khơi thông thị trường bất động sản.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với các tiểu ban, tổ công tác liên ngành trực thuộc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025. "Đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu", Phó Thủ tướng nói.

Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh…

"Cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án, vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết BĐS tại các địa phương: Nơi thiếu không làm, nơi thừa không bán được. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...