Bản tin Tiêu dùng: Măng cụt xanh gọt vỏ giá lên đến hơn 800.000 đồng/cân vẫn “cháy” hàng
Phần ruột măng cụt đang được bán giá lên đến 850.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Gần 200.000 đồng một kg nuốc Huế
Nửa tháng nay, con nuốc hay còn gọi là con nuốt, có thân tròn, trong suốt hoặc màu xanh lam nhạt, nguồn gốc ở Huế đang được nhiều người tiêu dùng lùng mua sau khi loạt Tiktoker giới thiệu. Chúng trở thành "cơn sốt" khiến giá tăng đột biến.
Theo người dân địa phương, trước đây con nuốc rất ít người biết đến, ngay cả nhiều gia đình sống ở Huế lâu năm cũng có thể chưa ăn. Nhưng sau khi được các Tiktoker giới thiệu, chúng đã được tìm mua khiến giá tăng cao. Nuốc xuất hiện vào cuối mùa xuân khi thời tiết nắng nhẹ và có gió. Loại này khá lành tính, nhưng theo người dân địa phương nếu người hay dị ứng hải sản không nên ăn vì có thể bị ảnh hưởng sức khỏe.
Trên các nhóm chợ sỉ hay hải sản tươi sống, nuốc được đăng bán rầm rộ với giá lên tới 200.000 đồng một kg kèm rau. Người bán phân làm hai loại là nuốc tai và nuốc chân. Nuốc chân có màu xanh đang có giá đắt nhất.
Theo người bán, nuốc được hỏi mua nhiều hơn các loại hải sản khác. Do đó, giá loại này tăng cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận mua vì tò mò. Tuy nhiên, trào lưu ăn con nuốc này sẽ "sớm nở tối tàn" vì loại này chỉ lạ chứ mùi vị không hấp dẫn.
Măng cụt xanh gọt vỏ giá lên đến hơn 800.000 đồng/cân vẫn “cháy” hàng
Năm ngoái, măng cụt xanh bỗng trở thành loại trái cây được nhiều người tìm mua nhờ trào lưu làm món gỏi gà măng cụt. Cũng vì thế, giá bán măng cụt xanh đã gọt vỏ lên tới 450.000-500.000 đồng/kg. Trong khi đó, măng cụt chín có giá thấp hơn rất nhiều so với măng cụt xanh nhưng sức mua không bằng.
Năm nay, cơn sốt măng cụt xanh vẫn chưa hạ nhiệt, khách đặt mua rất nhiều. Mới đầu mùa, giá bán măng cụt nguyên quả là 110.000 – 130.000 đồng/kg, còn loại đã gọt vỏ giá bán dao động từ 800.000 – 900.000 đồng/kg vẫn “cháy” hàng.
Theo người bán, những người hái phải có kỹ thuật, cách hái giống như hái quả chín để khiến cuống trái không bị gãy sẽ hạn chế chảy mủ nhiều. Như vậy, cây sẽ không bị mất sức. Thời điểm này đang được giá, hái tuyển những trái đủ kích thước, đủ độ già sẽ giúp nhà vườn có thêm thu nhập cao hơn và cũng bớt đi 1 lượng trái để nuôi, những trái còn lại sẽ đc nhiều dinh dưỡng hơn để phát triển. Với cách hái đúng, tôi nghĩ không hề ảnh hưởng đến cây và năng suất vụ sau.
Hoa ban bỗng thành đặc sản, giá 150.000 đồng/kg
Hoa ban là loài hoa mang đậm bản sắc núi rừng, từ lâu đã đi vào thơ ca, gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc. Đến mùa, du khách lại kéo nhau lên Tây Bắc để chiêm ngưỡng những sắc hoa đang độ bung nở. Ít ai biết được rằng, loài loài tưởng chỉ để ngắm lại là món ăn thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Tây Bắc.
Từ hoa ban có thể làm thành nhiều món ngon như đồ xôi hoa ban, làm nộm cùng cá suối, nấu canh xương hoặc xào cùng tỏi, trong đó đặc sản nhất là nộm hoa ban. Nộm hoa ban là món ăn thanh mát, có hương vị đậm đà, chế biến nhanh không cần cầu kỳ, chính vì vậy được rất nhiều gia đình ưa thích.
Ở trên chợ mạng, hoa ban được bán với giá lên tới 150.000 đồng/kg. Hoa ban cánh mỏng, rất khó bảo quản, đi đường xa phải ướp lạnh nên số lượng không nhiều. Ngoài hoa ban tươi, bà con nơi đây còn phơi khô để ăn quanh năm. Loại khô có thể bảo quản ăn trong vòng 1 năm mà không sợ bị hỏng. Trước khi dùng mọi người đem ngâm với nước trong vòng 1 tiếng.
Ớt rớt giá thê thảm vì Trung Quốc ngừng mua
Ớt rớt giá thê thảm vì Trung Quốc ngừng mua. Theo đó, ở Quảng Ngãi, hiện ớt có giá 5.000 đồng/kg và dự báo còn giảm nữa.
Ông Nguyễn Văn Trí (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) cho biết: "Chừng này năm ngoái, thương lái thu mua 50.000 đồng rồi tăng lên 80.000 đồng/kg. Năm nay đầu vụ giá thương lái thu 12.000 đồng/kg, rồi rớt xuống 10.000 đồng/kg. Ba ngày trước, họ mua 8.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg".
Giá đã thấp nhưng thương lái lại mua ớt đẹp, bà con muốn bán phải lựa. Mọi năm, người dân vùng trồng ớt ở TP. Quảng Ngãi mùa này sẽ thuê nhiều người thu hoạch. Năm nay, ngày công hái ớt là 200.000 đồng/người, nếu thuê sẽ lỗ.
Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tăng mạnh
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh là 2 nhóm sản phẩm đang được XK sang Ba Lan. Trong đó, cá ngừ đóng hộp là sản phẩm XK chủ yếu sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 91% tổng giá trị XK sang thị trường này.
Là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU, Ba Lan đang là thị trường đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 786% so với cùng kỳ, đạt hơn 2 triệu USD, chiếm gần 2% tổng kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam.
Trong 4 năm qua, nhập khẩu cá ngừ của Ba Lan đang ngày càng tăng. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, mặc dù, thị trường Ba Lan chưa gặp khó khăn đặc biệt gì về hàng rào kỹ thuật nhưng các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng hàng XK sang thị trường này. Bên cạnh đó, XK cá ngừ sang Ba Lan, hay các nước EU khác vẫn sẽ gặp khó khăn vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác XK sang EU bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu.