Khó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng gặp rủi ro khi đi ‘chợ mạng’
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022 và 2023, trong số các vụ khiếu nại, phản ánh bảo vệ người tiêu dùng gửi về Bộ, vượt trội và chiếm tỉ lệ cao nhất là thương mại điện tử, lần lượt là 14,7% và 14,9%. Tỉ lệ này có thể tăng lên trong bối cảnh mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng nhiều.
Thương mại điện tử phát triển mạnh khi nhà nhà, người người tham gia bán hàng online. Đi kèm với những lợi ích về kinh tế, nâng cao đời sống và cải thiện thu nhập cho người dân, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… cũng theo đó gia tăng. Những thách thức này dù không còn mới, nhưng càng ngày càng khó kiểm soát, dẫn đến câu chuyện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng càng thêm phần khó khăn.
Người tiêu dùng gặp rủi ro khi đi “chợ mạng”
Các hiện tượng quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, lừa đảo bán hàng, cung cấp thông tin không minh bạch, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc… khiến việc mua hàng online của người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro và mất an toàn.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 74% người dân sử dụng internet, trong đó khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD tăng mạnh so với năm 2022 là 288 USD.
Số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho thấy năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 16% so với năm 2022). Ghi nhận tại một số sàn thương mại điện tử, mạng xã hội lớn như Lazada, Shopee, TiKi, Facebook…, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi, tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, gia dụng, đồ điện tử. Các đối tượng thường mở các gian hàng khuyến mãi, quảng cáo hàng chính hãng để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng và xóa chứng cứ rất nhanh, gây khó cho cơ quan quản lý.
Chia sẻ với PV Trường Trường, anh Hoàng Ngọc Hải (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết nếu bạn có nhu cầu mua sắm hàng hoá nào đó, chỉ cần lên mạng tìm kiếm sản phẩm cụ thể, cả thể giới trong mắt bạn. Cái hay của “chợ mạng” là giá rất rẻ, bởi thế nên khi có nhu cầu “mình vẫn thường xuyên mua hàng trên mạng”.
Tuy nhiên, mọi thứ không như anh Hải nghĩ, “vừa rồi do có nhu cầu cần thay đổi máy điện thoại, tìm kiếm trên mạng thấy dòng máy hàng chính hãng có cấu hình ổn, giá cả lại rẻ và phù hợp với điều kiện nên mình đã đặt mua. Nhận hàng và kiểm tra bên ngoài thấy ổn, thế nhưng khi về sử dụng thì hoàn toàn không phải vậy. Máy chạy giật lác và chậm chạp. Kiểm tra võ thì đúng là dòng máy mình cần mua, nhưng khi kiểm tra phần mềm thì hoàn toàn không phải vậy, nó là dòng máy khác. Mình có gọi điện lại cho người bán và xin địa chỉ để gửi đổi máy, thì người bán hàng này cho địa chỉ ở Bưu điện Đông Anh, không biết thế nào mà lần”, anh Hải chia sẻ.
Cũng thường xuyên mua hàng trên mạng, chị Nguyễn Thị Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết chị thường xuyên mua đồ điện tử trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, rất nhiều lần chị mất tiền oan vì chỉ khi sử dụng mới biết đây là sản phẩm kém chất lượng, nhái thương hiệu; khi chị liên hệ lại thì shop không phản hồi, một số sản phẩm đã bị xóa khỏi gian hàng.
Còn với chị Trần Thị Nhung (Tp Vinh, Nghệ An), do công việc bận rộn nên chủ yếu đặt mua hàng qua các kênh online. Dù việc mua hàng qua kênh trực tuyến thuận tiện hơn và giúp tiết kiệm được thời gian, nhưng chị Nhung thừa nhận đôi khi cũng nhận được các sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
"Trên Facebook, TikTok hay các sàn thương mại điện tử đều có rất nhiều tài khoản, gian hàng với nhiều sản phẩm của đủ các hãng. Nếu chỉ nhìn qua hình ảnh quảng cáo rất khó để phân biệt đó là hàng thật hay hàng giả", chị Nhung chia sẻ.
Thông tin với báo chí mới đây, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho hay có tình trạng các cửa hàng bán lẻ, bán buôn trả lại mặt bằng, chuyển mô hình kinh doanh từ truyền thống tới online. Kể cả chợ truyền thống đến trung tâm thương mại, livestream bán hàng ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều cá nhân và đơn vị tổ chức bán hàng một nơi nhưng kho hàng một nẻo, thậm chí là vùng sâu, vùng xa, giáp biên.
Theo ông Linh, việc dịch vụ vận chuyển quá thuận lợi, có thể chuyển hàng bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam rất dễ dàng, nên vô hình trung tiếp tay vận chuyển hàng cấm, hàng giả". Không chỉ vậy, với các mô hình bán hàng nêu trên rất khó để xác minh người bán hàng, chất lượng hàng hóa cũng như việc xác minh thuế trên mạng.
Trong khi đó, các đối tượng tạo ra các website giả mạo website chính hãng hoặc bán qua các trang thương mại điện tử ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Do đó, số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng thừa nhận việc phát hiện và xử lý vi phạm trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn do đa số người bán là cá nhân. Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi người tiêu dùng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.
Đấu tranh với hàng giả, bảo vệ quyền lợi NTD gặp nhiều khó khăn
Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng (NTD) biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết. Đó là lý do khiến thương mại điện tử trở thành kênh để hàng giả, hàng nhái lộng hành, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế..
Dữ liệu của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cho thấy tính đến hết tháng 11/2023, cơ quan này tiếp nhận 92 đơn thư phản ảnh của người tiêu dùng liên quan đến nhóm thương mại điện tử, chiếm khoảng 6% tổng số đơn thư, nằm trong top 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ có nhiều phản ảnh, kiến nghị nhất. Trong đó, phần lớn đơn thư phản ảnh chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo (chiếm tỉ lệ 9,3% tổng số đơn thư); cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng (2,4%) và quảng cáo lừa dối (1,5%).
Trên thực tế, việc người tiêu dùng gặp phải tình trạng mua hàng giả, kém chất lượng trên các “chợ mạng” rất phổ biến, các số liệu chúng ta đang nắm được hiện này cũng chỉ là một phần rất nhỏ. Điều này gây tổn hại rất lớn về mặt vật chất cũng như niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia thương mại, cho là việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, chính sách đổi trả hay hoàn trả lại tiền các trang web bán hàng còn nhiều bất cập, thậm chí một số mặt hàng người mua không được đồng kiểm. Điểm bất cập nữa là trong nhiều trường hợp mua hàng giả, hàng nhái nhưng do việc khiếu nại tốn nhiều thời gian, trong khi giá trị món hàng không cao nên nhiều người chấp nhận không khiếu nại hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
Trong khi với lực lượng nòng cốt là quản lý thị trường thì cũng thừa nhận khó khăn trong việc ngăn chặn vấn nạn này. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh chia sẻ: “với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Nhưng với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi”.
Điều đó càng cho thấy, công tác đấu tranh với kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi vấn đề này đang ngày càng lan rộng theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử hay hoạt động livestream bán hàng.
Vì vậy, theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, cơ quan quản lý liên quan cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số; yêu cầu các sàn thương mại điện tử đăng ký kê khai số gian hàng tham gia trên sàn để nắm số lượng người bán. Thậm chí rà soát cả các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động bán hàng qua mạng.
Chia sẻ với PV Thương Trường, Luật sư Nguyễn Thành Trung – Đoàn Luật sư Tp Hà Nội, cho rằng Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn.
Trước tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên môi trường mạng, theo Luật sư Trung, thì “trách nhiệm thuộc về cả người bán hàng và các sàn thương mại điện tử”. Nếu sàn thương mại điện tử có hành vi tiếp tay cho vi phạm như: không có cơ chế kiểm tra, giám sát sản phẩm; việc cung cấp thông tin của người bán trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động chưa chính xác...thì sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Dù vậy, Luật sư Trung cũng cho rằng để có cơ sở và căn cứ pháp lý cho việc khiếu nại và yêu cầu bồi thường, người tiêu dùng cần giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả cùng các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ liên quan... đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/07/2024
Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/07/2024, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
So với luật năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định mới, đặc biệt các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Luật năm 2023 đưa ra nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Đặc biệt, nhằm tăng tính cảnh báo cho người tiêu dùng, luật bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Kỳ vọng những đổi mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ gòp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng.
Minh Đức