4 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu rau quả nước ta đạt 1,8 tỉ ÚD
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng trong tháng 4 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có được kết quả này của ngành hàng rau quả là trái ngọt từ sự nỗ lực rất lớn của các hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, và cả các cấp các ngành trong việc mở rộng thị trường , tận dụng tốt các cơ chế thương mại hiện nay.
Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam vượt 1 tỉ USD ngay trong những tháng đầu của năm. Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành rau quả đang được kỳ vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.
Rau quả Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường ổn định như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Đáng chú ý sầu riêng là mặt hàng có sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 tháng qua. Việt Nam cũng đã vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, khi các nghị định thư được kí kết, sầu riêng Việt Nam sẽ không chỉ được xuất theo dạng quả tươi, mà còn cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc theo dạng sầu riêng đông lạnh. Đây được coi là một cú hích mới với xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2024.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới đang siết chặt các quy định về nông sản nhập khẩu, đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Với lô thanh long đang chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, để chinh phục được thị trường khó tính này, sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đặc biệt là phải đáp ứng hơn 200 chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo nhiều chuyên gia, để tiến sâu vào thị trường quốc tế, rau quả cần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Điều này đảm bảo bền vững và tạo cơ hội tăng trưởng và tăng cường vị thế của rau quả Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Để làm điều này, chúng ta cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu, đầu tư mạnh mẽ vào chế biến và đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung vào bán hàng thô như hiện nay. Điều này giúp xuất khẩu bền vững và xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam có chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.