Xuất khẩu gạo và rau quả duy trì mức tăng trưởng đột biến
Từ đầu năm đến nay, trái ngược với bức tranh ảm đạm của nhiều ngành hàng, nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận kỷ lục mới, trong đó gạo và rau quả tiếp tục giữ vững vị trí “ngôi sao”.
Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nhập khẩu, tính hết quý III/2023, toàn ngành nhập khẩu 30,44 tỷ USD, như vậy, tính đến hết quý III/2023, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, tháng 9/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD tăng 22% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản 2,45 tỷ USD, tăng 46,9% so với tháng 9/2022; chăn nuôi 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, tăng 7,3%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 0,8%; đầu vào sản xuất 166,5 triệu USD, giảm 5,5%.
Như vậy, hết quý III/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản đạt 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. Riêng nhóm nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo và rau quả trở thành “ngôi sao” sáng của ngành khi duy trì mức tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, nhóm hàng rau quả đem về 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%.
Giá gạo xuất khẩu đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Cùng với giá gạo, giá cà phê xuất khẩu đạt 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, trong đó, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và thị trường Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.
Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, gạo Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vào RCEP đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỉ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong các thị trường thuộc RCEP, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đang là 3 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điểm sáng nhất trong thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam là Chile. Trong tháng 8 đầu năm, Chile đã nhập khẩu 7.123 tấn gạo của Việt Nam, trị giá 3,3 triệu USD, tăng 4.114% về lượng và tăng hơn 2.708% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến này cho thấy, các quốc gia ở Nam Mỹ, trong đó có Chile đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Theo ông Hoàng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn.
Theo ông Nguyên, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang "một mình một chợ" ở Trung Quốc khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia... không còn nhiều do hết vụ thu hoạch.