Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao
Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Chính vì vậy, ngành hàng gạo trong nước tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.
Theo thống kê, 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu tới 7,8 triệu tấn gạo trong khi cả năm 2022 chỉ xuất khẩu 7,1 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao kỷ lục 663 USD/tấn. Điều đáng nói vùng giá này được duy trì từ đầu tháng 12 tới nay. Các loại gạo 25% tấm và 100% tấm vẫn giữ vững giá ở mức cao.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Theo các chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình thế giới biến động mạnh mẽ với những xung đột chính trị cùng biến đổi khí hậu... khiến nguồn cung mặt hàng này bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo cuối năm 2023 và 2024 được dự báo tiếp tục tăng.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm trước.
Khảo sát cụ thể tại châu Á, thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo nhiều nhất hiện nay là Indonesia, Philippines, Malaysia. Trong bối cảnh Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng đến hết năm 2024 thì thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan (tháng chay của người Hồi giáo) sẽ thúc đẩy nhu cầu về gạo ở các nước châu Á.
Còn tại châu Âu, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia cũng gia tăng lớn thời gian tới. Ngoài ra, thị trường châu Phi cũng dự báo sẽ tăng vào cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024.
Các chuyên gia cũng cho rằng gắn liền với xu thế tiêu thụ của thế giới, hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn. Đặc biệt, chủng loại gạo thơm, chất lượng cao đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn.
Indonesia cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Trước mắt, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo 5% tấm với số lượng lên đến 543.000 tấn, nguồn cung kỳ vọng từ Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30.1.2024.
"Việt Nam có dòng gạo thơm, cao cấp. Sản phẩm của các bạn đã vươn ra các thị trường, không chỉ sang Mỹ, Canada, châu Âu, mà nay còn sang cả châu Phi, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Philippines... Dòng gạo thơm thể hiện nỗ lực rất đáng ngưỡng mộ của các bạn", ông V Subramanian, chuyên gia nghiên cứu thị trường Singapore, đánh giá.
Với những nhận định về thị trường lúa gạo thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung cắt bớt các khâu trung gian để giảm giá bán, tập trung công tác khuyến nông để giúp người nông dân sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.
Nhận định từ nay đến năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Nam cho rằng, ngành lúa gạo đang đón "làn sóng" mới về tăng trưởng, tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.
Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Về thị trường, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, tham tán, đại sứ quán các nước để nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đưa ra đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu để có định hướng sản xuất. Về nguồn vốn, Bộ cùng các bộ, ngành đề nghị Ngân hàng Nhà nước bảo đảm nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết phát triển bền vững...
Trung Anh