Xuất khẩu gạo sang EU tăng trưởng ấn tượng
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục gần 104.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023 với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022.
Đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm mà EU cam kết dành cho Việt Nam theo Hiệp định EVFTA. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, chất lượng gạo của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.
Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu gạo của EU đã giảm 12% trong 10 tháng năm 2023 xuống còn 3,4 triệu tấn. Trong đó, gần 2 triệu tấn được nhập khẩu từ ngoại khối và 1,4 triệu tấn giao dịch nội khối.
Sức mua của EU có xu hướng giảm, nhưng nhập khẩu từ Việt nam vẫn tăng nhẹ 0,1% lên 93.899 tấn. Kết quả này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU với thị phần chiếm 2,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực, tăng so với mức 2,4% của cùng kỳ năm 2022.
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối Liên minh châu Âu. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, tăng 49,3% so với năm trước và chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, tăng tới 92% và chiếm 14,2% thị phần.
Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng từ 3 - 4 con số như: Hungary tăng 12 lần, Bulgaria tăng 730%, Hy Lạp tăng 483,3%, Bồ Đào Nha tăng 425%... Trong số các thị trường chính chỉ có Italy ghi nhận sự sụt giảm 78,5% xuống còn 6.876 tấn.
Số liệu cho thấy, có đến hơn 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2023 là các loại gạo thơm, gạo Nhật, gạo lứt, gạo vi chất…, chỉ có 28% là gạo trắng. Do đó, giá gạo xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt khá cao, ở mức 689 USD/tấn so với trung bình 575 USD/tấn của cả nước.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do 27 nước thành viên EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam.
Mới đây, gạo ST24 và ST25 – giống gạo 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu. Đây được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
Trước đó, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.
Trung Anh