Xuất khẩu gạo mang về hơn 2 tỷ USD
Xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm thiết lập cột mốc kỷ lục mới với khối lượng đạt xuất gần 3,2 triệu tấn, trị giá thu về hơn 2 tỷ USD. Tại thị trường trong nước, giá gạo đang có sự cải thiện tích cực sau khi điều chỉnh giảm vào những tháng đầu năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với trị giá 619,9 triệu USD, giảm 10,9% về lượng và 12,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời giảm 3,8% về lượng nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 3,2 triệu tấn với trị giá thu về hơn 2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất đạt được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Trong tháng 4, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines, Malaysia, Ghana… tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Indonesia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà… lại ghi nhận sự sụt giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philippines đứng đầu với gần 1,5 triệu tấn, trị giá 935,6 triệu USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 44,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 47% về lượng và 46% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đứng thứ hai là Indonesia, đạt 548.582 tấn, trị giá 348,3 triệu USD, tăng 79% về lượng và tăng 2,3 lần về trị giá so với cùng kỳ. Thị phần của Indonesia trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức 17,3% so với con số 10,6% của cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến, lượng gạo xuất khẩu sang Malaysia tăng 26,3% lên 202.387 tấn; Ghana tăng 39%, đạt 156.133 tấn; Bờ Biển Ngà tăng 22,5%; Singapore tăng 88,9%... Ngược lại, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 66,7%, Hong Kong giảm 34,2%, Mỹ giảm 17,7%...
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 4 đạt 619 USD/tấn, tiếp tục giảm 2% so với tháng trước, nhưng tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo đạt 643 USD/ tấn, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tiếp tục có xu hướng tăng. Tính đến ngày 9/5, giá lúa thu mua tại kho ở khu vực ĐBSCL dao động ở mức 9.529 đồng/kg, tăng hơn 200 đồng/kg so với đầu tháng 4. Trong khi giá gạo tăng từ 500 – 700 đồng/kg lên mức 12.000 – 14.650 đồng/kg, đặc biệt cám xát/lau tăng tới 1.036 đồng/kg. Như vậy, giá lúa gạo hiện đang cao hơn khoảng 24 – 29% so với cùng kỳ năm ngoá
Ước tính từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 2/5, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuống giống được 1,488 triệu ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch vụ Đông Xuân 2023-2024, thu hoạch được khoảng 1,47 triệu ha, với năng suất 71,84 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 10,57 triệu tấn lúa. Vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống được 817 nghìn ha/1,480 triệu ha diện tích kế hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Trong đó, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam nhìn chung có nhiều thuận lợi khi nhu cầu của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi… ở mức cao trong năm nay do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, việc Ấn Độ có khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể khiến giá gạo tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.