Xuất khẩu cà phê có khả năng đạt 4 tỷ USD
Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 1,01 triệu tấn cà phê với trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng nhưng lại tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua của Việt Nam. Với kết quả đạt được, có khả năng năm 2023 sẽ là năm tiếp theo Việt Nam đạt mức kim ngạch 4 tỷ USD xuất khẩu cà phê (sau khi ghi nhận kỷ lục 4 tỷ USD vào năm 2022).
Mặc dù lượng xuất khẩu cà phê giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng do nhiều tháng qua giá cà phê Robusta thế giới ghi nhận xu hướng tăng liên tục, điều này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.
Trong đó, riêng tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu 150.00 tấn cà phê với trị giá đạt 392 triệu USD, tăng lần lượt 9,1% về lượng và 24,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, giá cà phê Robusta thế giới kéo dài chuỗi tăng giá chủ yếu do hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ảm đạm. Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2022/23 của Việt Nam giảm từ 10 -15% so với niên vụ 2021/22, tồn kho trong dân gần như đã cạn kiệt.
Nền kinh tế suy thoái và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao ở hầu hết các nước, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê có giá thấp hơn so với cà phê Arabia. Các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu hướng này và mua cà phê Robusta nhiều hơn để phối trộn với cà phê Arabica nhằm giảm giá sản phẩm cà phê xuống mức thấp có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê Arabica giảm.
Theo dự báo, thời gian tới giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng tăng khi cầu vượt cung đã tác động tích cực lên giá mặt hàng này. Thời tiết không thuận lợi làm dấy lên lo ngại cà phê Robusta từ các nhà sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia bị ảnh hưởng, dẫn đến giá tăng vọt.
Anh Thư