Xuất khẩu cà phê cán mốc 2,4 tỷ USD
Giá cà phê tăng cao đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê cán mốc 2,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Lũy kế 9 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2022-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt tổng cộng 1,44 triệu tấn (khoảng hơn 24 triệu bao), với kim ngạch 3,38 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 6,6% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê robusta có giá rẻ hơn so với cà phê arabia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao tại hầu hết nền kinh tế lớn.
Các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu hướng này và mua cà phê robusta nhiều hơn để phối trộn với cà phê arabica nhằm giảm giá sản phẩm cà phê xuống mức thấp có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, nguồn cung cà phê toàn cầu được Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. ICO cho biết, sản lượng cà phê robusta dự kiến giảm 2,1% trong niên vụ hiện tại xuống còn 72,7 triệu bao, trong khi arabica tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao.
Chính điều này đã đẩy giá cà phê nội địa và xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp xô đổ các kỷ lục trong những tháng gần đây.
Trong tháng 6, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đạt cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây với bình quân 2.682 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.374 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên cũng chạm đỉnh 66.700 – 66.900 đồng/kg vào cuối tháng 6/2023, tăng vọt 65 - 67% (26.100 – 26.500 đồng/kg) so với hồi đầu năm.
Bước sang tháng 7 giá cà phê tuy có phần hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 65.100 – 65.300 đồng/kg tính đến ngày giao dịch 14/7.
Thông tin từ phía các doanh nghiệp, Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết giá cà phê hiện nay đang ở mức cao và đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua.
Trên thị trường thế giới, sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm giá cà phê đang chịu áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil và các báo cáo gần đây cho thấy điều kiện thời tiết thuận lợi đang hỗ trợ cho vụ thu hoạch hiện tại.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê robusta kỳ hạn gần đã tăng hơn 50% lên mức 2.833 USD/tấn vào ngày 20/6, nhưng sau đó giảm xuống còn 2.534 USD/tấn vào thời điểm hiện tại.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE US – New York cũng giảm trong thời gian gần đây và hiện chỉ còn 157 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê tới 38 thị trường trên thế giới. Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang EU, Anh, Philippin… giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bù lại các thị trường như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia, Mexico, Hàn Quốc… lại tăng mạnh.
Cụ thể, EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta trong 6 tháng qua với khối lượng đạt 385.895 tấn, trị giá 872,9 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 6,6% về trị giá. Thị trường này chiếm 38,3% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Ngược lại, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng tới 26,3% so với cùng kỳ lên mức 77.726 tấn, chiếm 7,7% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng cao từ hai đến ba con số như: Nga tăng 19,7%; Algeria tăng 100,8%; Indonesia tăng 194,2%; Mexico tăng 77,3%; Hàn Quốc tăng 16,6%...
Hoài Anh