Vĩnh Phúc: Nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án nhà ở xã hội
Thời gian qua, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Theo thông tin của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 13 dự án nhà ở xã hội, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn và các huyện có nhiều khu công nghiệp của tỉnh như: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên. Tổng diện tích đất của các dự án này là 65,4ha. Tổng diện tích sàn nhà ở là 961.378m2. Tổng số căn nhà là 10.143 căn, trong đó 732 căn nhà thấp tầng, diện tích sàn 160.698m2, 9411 căn nhà chung cư, diện tích sàn 800.680m2.
Trong đó, 5 dự án đã được đưa vào sử dụng với 1.623 căn nhà ở xã hội gồm: Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp Khu công nghiệp Khai Quang, Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, Dự án khu nhà ở Công ty Honda Việt Nam, Dự án khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo, Dự án khu nhà ở thu nhập thấp phường Phúc Thắng, đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu của thị trường, vướng mắc pháp lý trong việc bán sản phẩm cho doanh nghiệp… nên đã có 3 dự án dừng hoạt động (Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức; Khu nhà ở xã hội tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên; Khu nhà ở thu nhập thấp tại phường Đồng Xuân).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có 16 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị dành diện tích đất cho xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 53ha.
Hiện nay, Vĩnh Phúc còn 4 dự án nhà ở xã hội đang được các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án theo quy định là: Dự án khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên với quy mô gồm 1.000 căn hộ chung; Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng với quy mô 241 căn nhà căn hộ chung và liền kề thấp tầng; Dự án khu nhà ở xã hội cao tầng cho công nhân tại khu vực Gốc Nụ tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với quy mô 384 căn hộ chung cư; Dự án khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên với quy mô 993 căn nhà căn hộ chung và liền kề thấp tầng.
Mặc dù, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Đầu tiên là vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí giải phóng mặt bằng. Theo quy định, khi khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế ở Vĩnh Phúc, nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương có thể không đủ để chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Do đặc thù tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích không lớn, hệ thống giao thông thuận lợi, công nhân trong tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp đi về trong ngày. Đồng thời, các doanh nghiệp khu công nghiệp sử dụng lao động trẻ, trong một thời gian nhất định, với mức thu nhập còn hạn chế. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần nguồn vốn lớn và chủ yếu từ vốn doanh nghiệp, trong khi đó thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao. Đồng thời, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân chưa đủ mạnh. Do vậy, các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả đầu tư thấp, chưa quyết tâm triển khai dự án.
Theo quy định, mỗi dự án đầu tư nhà ở xã hội phải có quy hoạch chi tiết trước khi lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết này phải do chủ đầu tư lập sau khi được lựa chọn. Điều này rất bất cập, gây khó khăn cho các việc chủ đầu tư muốn triển khai dự án.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở, UBND Vĩnh Phúc đã thành lập tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh; rà soát bố trí 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội; tiếp tục, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới (UBND tỉnh đã thông qua 22 khu vực với diện tích 183,39ha); giao Sở Xây dựng tổ chức lập chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.
Bích Huệ