Vào cuộc đồng bộ trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Hiện nay đang tồn tại tình trạng người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) dùng nhiều phương cách để trốn thuế. Nhận thấy tình trạng trên ngày càng có xu hướng phát triển phức tạp, bên cạnh việc đẩy mạnh đối thoại và tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nộp thuế.
Ngành Thuế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế, từ đó tạo môi trường minh bạch, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình TMĐT và doanh thu chủ yếu để có căn cứ tính thuế
Thực trạng đáng báo động
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT không chỉ tạo ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh mà còn mang đến những thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Qua thực tế công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, tình trạng các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua thực hiện các hành vi gian lận khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế theo phương pháp “tự kê khai, tự nộp”. Để hỗ trợ tối đa cho NNT thực hiện kê khai và nộp thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho NNT tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định, trên Trang TTĐT Tổng cục Thuế (https://gdt.gov.vn) đã có chuyên mục riêng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế điện tử.
Ghi nhận trong thời gian qua, nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của NNT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh TMĐT phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất “ẩn danh” rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội.
“Cơ quan thuế khuyến cáo những tổ chức kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn giao dịch TMĐT cần chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế “rà” đến tên.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành quản lý TMĐT, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành Thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.”
Điển hình như một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, quảng cao trên nền tảng mạng xã hội, họ hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như “cho vay”, “trả nợ”, “quà tặng” …; còn người bán hàng trực tiếp thì yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản.
Ngoài trường hợp điển hình trên, người kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội còn khá nhiều phương cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình TMĐT và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó mới có căn cứ tính thuế.
Theo đó, việc phải tìm hiểu từ hạ tầng thanh toán, vận chuyển, giao nhận đều thay đổi để đáp ứng các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này như mô hình bán hàng không cần lưu trữ hàng hóa; in theo yêu cầu (bán thiết kế theo yêu cầu); tiếp thị liên kết (giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng mới thông qua gửi link)… là điều hết sức cần thiết và phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có liên quan.
Quy mô hoạt động TMĐT đang phát triển mạnh ở Việt Nam, để tăng cường công tác quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, ngành Thuế rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT
Có thể nhận thấy, hoạt động TMĐT vẫn đang là xu thế diễn ra mạnh ở Việt Nam. Tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… đã và đang diễn ra và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề này đã đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành Thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng cho TMĐT hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Hiện cơ quan thuế đang tích cực phối hợp với các sàn giao dịch TMĐT và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan triển khai để làm sạch cơ sở dữ liệu lớn về NNT kinh doanh TMĐT, đó là tăng cường công tác nắm bắt thông tin người bán hàng thông qua các sàn giao dịch TMĐT cung cấp, từ đó quản lý chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên liên tục.
Việc lưu giữ thông tin trên cơ sở dữ liệu lớn (BigData) thông qua công tác phối hợp và cung cấp thông tin xác thực và đầy đủ từ phía các sàn giao dịch TMĐT cung cấp đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tối đa các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch TMĐT trốn thuế. Việc các sàn giao dịch TMĐT đều phải có trách nhiệm lưu giữ thông tin của các cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ tránh được việc liên đới chịu trách nhiệm.
Ngoài việc phải phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, các sàn giao dịch TMĐT còn phải có trách nhiệm trong quản lý tiêu dùng, tránh hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, trách nhiệm của sàn rất lớn trong việc cung cấp thông tin, lưu giữ thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công thương để có những giải pháp yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT chấn chỉnh ngay việc lưu giữ thông tin để có thông tin xác thực cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước.
Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với TMĐT
TMĐT đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong đó có Việt Nam, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Tổng cục Thuế đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn NNT tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thông qua các hình thức: tổ chức hội nghị tập huấn chính sách thuế; chuyển thư ngỏ của cơ quan thuế đến các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn giao dịch TMĐT trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.
Thứ hai, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đảm bảo NNT có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử, đặc biệt trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng TTĐT dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.
Thứ ba, đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các NCCNN là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành. Trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát NNT đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Thứ năm, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Thứ sáu, thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở Cơ quan thuế theo quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT theo quy định.
Thứ bảy, trên cơ sở căn cứ yêu cầu quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế sẽ đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề. Theo đó, chuyên đề thanh tra, kiểm tra thuế sẽ tiếp tục tập trung vào đối tượng là các Công ty là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, các Công ty là trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán, … Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế sẽ tiếp tục thu thập thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân phát sinh thu nhập thông qua các nền tảng của các Công ty này, qua đó tiếp tục thực hiện rà soát, thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định.
Áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế
Thứ tám, đề xuất giải pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Cụ thể:
(i) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan để thực hiện quản lý chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân này, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế. Trường hợp qua công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra phát hiện những trường hợp tổ chức, cá nhân có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế thực hiện chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp truyền thông, báo chí đối với các tổ chức, cá nhân này.
(ii) Phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu thập các thông tin sau:
Dữ liệu dòng tiền giao dịch qua các tài khoản của các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài (như: Google, Facebook, Youtube, Netflix …).
Thông tin cá nhân, nội dung và số tiền giao dịch của các tài khoản cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh TMĐT.
(iii) Phối hợp với Bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại CT18 (Bộ Công an: rà soát và đồng nhất CSDL quốc gia về dân cư với CSDL mã số thuế; Bộ Công Thương: dữ liệu về sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; Ngân hàng Nhà nước thông tin về tài khoản thanh toán, dòng tiền).
Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài. Điều 33 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõ cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn chưa đăng ký thuế, điều đó có thể phát sinh các hành vi trốn thuế, lách thuế… |
Phương Thúy