Bán hàng online nhưng không biết cách nộp thuế, nguy cơ dính án hình sự
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, nhiều người kinh doanh online không nộp thuế vì không biết phải nộp như thế nào. Đối với cơ quan thuế, những người này vẫn bị xem là không hoàn thành nghĩa vụ thuế, mặc dù họ không cố tình trốn thuế mà chỉ vì không biết cách thức thực hiện.
Nhiều người không biết mình nợ thuế
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) cho biết, việc thu thuế đối với thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Có 1 thực tế là cơ quan thuế ở các địa phương cũng chưa nắm rõ và hiểu hết cách thức làm sao để những người kinh doanh cá nhân này có thể nộp thuế một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nói: “Họ không biết liệu mình có nợ thuế hay không, và nhiều người cũng rất bất ngờ khi ra sân bay thì được thông báo đang nợ thuế và không thể xuất cảnh, dù số thuế nợ không lớn. Đây là thực tế mà chúng ta cần quan tâm”.
Giải thích thêm, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, nhiều người không nộp thuế vì không biết phải nộp như thế nào. Tuy nhiên, đối với cơ quan thuế, những người này vẫn bị xem là không hoàn thành nghĩa vụ thuế, mặc dù họ không cố tình trốn thuế mà chỉ vì họ không biết cách thức thực hiện.
Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử rất cần những kiến thức về thuế, ngay cả việc khai thuế khoán nếu khai không đúng, cũng có thể bị xem là lách thuế và bị xác định là trốn thuế, dẫn đến việc bị phạt. Theo đó, cá nhân, hộ kinh doanh cần biết loại hình kinh doanh nào phù hợp và có nên mở doanh nghiệp hay không. Khi doanh số đạt đến mức nào thì áp dụng thuế khoán, và khi nào thì áp dụng thuế kê khai.
Bên cạnh đó, hiện có rất hoạt động trên các nền tảng quốc tế về nội dung số mà cơ quan thuế cần đưa ra quy định và ban hành các quy định về thu thuế. Thương mại điện tử rất đa dạng, bao gồm nhiều hoạt động mà trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến việc bán hàng. Hiện nay, bán hàng không chỉ diễn ra trên các nền tảng số mà còn trong các hoạt động giải trí.
"Trong một phiên livestream, có bao nhiêu người chốt đơn và phải thực hiện việc xuất hóa đơn? Và những người thực hiện các phiên livestream, làm việc hàng chục tiếng đồng hồ để bán hàng nhận thu nhập như thế nào, họ đóng thuế ra sao? Đây là những câu chuyện thực tế cần được xem xét”, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử nhấn mạnh.
Đã kinh doanh cần nắm rõ pháp luật về thuế
Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cơ quan thuế tỉnh rà soát và kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai và nộp thuế của các tổ chức, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và tiếp thị liên kết. Mục tiêu là hỗ trợ các đơn vị, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của Tổng cục Thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, việc bùng nổ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tuy mang đến doanh thu thuế cao với Ngân sách Nhà nước, nhưng có nhiều trường hợp vi phạm. Theo đó, Cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp đồng thời truy thu thuế tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
Nhiều trường hợp nhà bán hàng không biết hoặc cho rằng doanh thu thấp khi bán hàng online nên đã không quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm kê khai thuế. Thực trạng trên đang báo động với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh các cá nhân khi kinh doanh cần nắm được các chính sách liên quan đến thuế, hay hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế khuyên các nhà bán hàng online từ trước đến nay mà chưa kê khai nộp thuế cần liên hệ với Chi cục Thuế nơi mình cư trú để kê khai nộp thuế. Đồng thời, nhà bán hàng sẽ tính tiền chậm nộp là 0,03% trên số tiền thuế phải nộp cộng với số ngày chậm nộp.
“Trong trường hợp cơ quan Thuế phát hiện nhà bán hàng không kê khai thuế sẽ bị truy thu, phạt tiền thuế, với hành vi vi phạm thuế nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, bà Cúc chia sẻ.
Đó cũng là nội dung trong công văn mới ban hành công văn số 3153 của Tổng cục Thuế về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Công văn nêu rõ, nếu rà soát phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cơ quan thuế phải lập danh sách cá nhân, tổ chức có dấu hiệu sai phạm. Sau đó, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra, xử lý khi phát hiện có hành vi trốn thuế của cá nhân, tổ chức, hộ kinh trong hoạt động bán hàng hay livestream bán hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. Tuy nhiên, các nhà bán hàng hay có các hoạt động liên quan đến bán hàng như KOLs, KOC... không phải ai cũng hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ thế.
"Tất cả các bên liên quan đến hoạt động bán hàng đều phải có trác nhiệm kê khai và thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Không ai có thể làm thay và chịu trách nhiệm thay các vấn đề liên quan đến thuế", ông Thanh khẳng định.
Đại diện TikTok Việt Nam cho biết thêm, TikTok đã đăng ký kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài. Các nhà bán hàng phải có trách nhiệm thay mặt và lấy mã số thuế của nhà sáng tạo để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế. Còn đối với cá nhân nhà bán hàng sẽ tự liên hệ Cơ quan Thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Kỳ Thư