Triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP
Sáng 28/6, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua với 464/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,47%).
Theo quy hoạch, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 128,8 km, tuyến đi qua địa phận tỉnh Đăk Nông 27,8km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa). Dự án có 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy hoạch (6 làn xe). Tốc độ thiết kế 100 - 120 km/giờ.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 10.536,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư tham gia 12.770 tỷ đồng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư dự án trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc đầu tư quy mô 2 làn xe đối với đoạn 2 km đường giao kết nối cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ tạo nút thắt cổ chai trong giao thông, gây ùn ứ, mất an toàn giao thông. Do vậy, đề nghị xem xét đầu tư đoạn kết nối theo quy mô 4 làn xe.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng đầu tư đồng bộ toàn dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng bảo đảm không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến tán thành đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), do ngân sách Nhà nước hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, việc huy động khu vực tư nhân tham gia sẽ bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép triển khai dự án theo phương thức PPP như Chính phủ trình, để kịp thời đáp ứng tính cấp bách. Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có các giải pháp hiệu quả thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương xây dựng chính sách đền bù thỏa đáng theo nguyên tắc người dân đến nơi ở mới phải bảo đảm tốt hơn, tối thiểu phải bằng nơi ở cũ. Quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm về đất ở, đất sản xuất cho người dân và việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân chịu ảnh hưởng.
Liên quan đến tiến độ hoàn thành, chất lượng của dự án, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027 để bảo đảm tính khả thi.
Đối với các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu tiếp thu tại dự thảo Nghị quyết các cơ chế đặc thù phù hợp cho việc triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng như: Cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án đến hết năm 2026; người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Trong giai đoạn triển khai thực hiện, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng...