Trà Shan tuyết Hà Giang ngày càng khẳng định uy tín và chất lượng
Sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng, chè Shan tuyết Hà Giang còn hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, sạch. Loại trà đặc sản này được ví là “vàng xanh” của đất trời cực Bắc.
Với tổng diện tích chè lên đến hơn 20.300 ha, Hà Giang là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ 3 sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh; diện tích chè Shan tuyết cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng trên 55.000 tấn.
Sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên, chè Shan tuyết trải dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh và phân bố tập trung ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh kéo dài và sinh trưởng ở độ cao từ 600 đến trên 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên sản phẩm chè Shan tuyết độc đáo với chất lượng tốt, hương vị đặc trưng và mang tính đặc thù (thơm, ngon, sạch).
Đặc biệt, Hà Giang còn có đến 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên 100 năm tuổi, tiêu biểu như: Quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), xã Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), xã Lũng Phìn (Đồng Văn)... Đây chính là lợi thế của chè Shan tuyết Hà Giang so với các địa phương khác trong cả nước, được các nhà khoa học đánh giá không chỉ là nguồn nguyên liệu tuyệt vời, cho ra đời những ấm chè đặc sản mà còn là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm.
Cây chè Shan tuyết ở Hà Giang đã có từ lâu đời, gắn bó với đời sống của cộng đồng các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng... Chè Shan tuyết sinh trưởng trên những dãy núi cao, trong điều kiện môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, nên cho ra những búp chè thơm ngon và thuần khiết. Với màu nước vàng mật bắt mắt, cùng vị chan chát, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, chè Shan tuyết Hà Giang đã trở thành đặc sản nức tiếng trong cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cây chè Shan tuyết ở Hà Giang là loại chè sạch, được trồng ở độ cao từ 800 m trở lên so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là môi trường sinh trưởng tự nhiên, sạch và hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, tạo ra nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiếm cho những ấm chè đặc sản. Giống chè Shan tuyết Hà Giang chủ yếu là 2 giống Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ (chè Shan lá nhỏ chỉ có diện tích khoảng trên 250 ha tập trung tại huyện Đồng Văn); đây thường là những cây chè cổ thụ có tuổi đời vài chục năm hay đến vài trăm năm và được đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Năng suất chè Shan tuyết của tỉnh bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt khoảng 35,24 tạ/ha; sản lượng bình quân gần 65.000 tấn, sản lượng chè đã qua chế biến trên 10.000 tấn.
Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng. Ngoài tiêu thụ trong nước, chè Shan tuyết Hà Giang đã có mặt tại 20 quốc gia ở 3 châu lục: Âu, Á và Mỹ. Cây chè được xác định là một trong 5 loại cây, con chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Hà Giang đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang.
Trước đây, đồng bào sống ở vùng Tây Côn Lĩnh thường thu hái chè tự do, bán cho thương lái. Hiện tại, các công ty chè, hợp tác xã ra đời tạo thành chuỗi liên kết, qua đó còn hướng dẫn bà con cách hái chè đảm bảo chất lượng, cách bảo vệ búp chè sau thu hoạch. Vì vậy, giá chè tươi sau hái cũng tăng cao gấp 2 – 3 lần.
Là sản phẩm sinh ra từ núi rừng cực Bắc, bằng chính chất lượng và giá trị của mình, chè Shan tuyết Hà Giang đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn địa lý từ năm 2018. Các doanh nghiệp, HTX chế biến chè đã tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên nhiều dòng trà phong phú như: Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà, trà Shan tiên, trà Móng rồng, trà Phổ nhĩ ép bánh... Đến nay, toàn tỉnh có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương. Ấn tượng trong đó, 2 sản phẩm Trà xanh và Hồng trà hộp 100 gam của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Cùng với đó, phần lớn diện tích chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hữu cơ, VietGAP, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… chính là tấm “giấy thông hành” giúp chè Shan tuyết Hà Giang vươn ra thế giới.
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, chế biến chè, đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết của Hà Giang đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều dòng chè đa dạng đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Đặc biệt, liên tiếp trong 2 năm 2018 - 2019, HTX Tây Côn Lĩnh có 5 loại trà đoạt các giải Vàng, Bạc, Đồng và Ấn tượng tại Cuộc thi Trà quốc tế tổ chức tại Pháp. Điều này một lần nữa khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang trên trường quốc tế. Theo số liệu của Sở Công thương, từ năm 2022 đến tháng 9.2023, tổng sản lượng chè búp khô xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh Hà Giang đạt 1.279 tấn, với giá trị khoảng trên 2,3 triệu USD. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty chè Hùng An, Công ty chè Cao Bồ... trung bình hàng năm xuất khẩu đi các nước Đài Loan, châu Âu với tổng giá trị khoảng trên 3 triệu USD (không xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh hoặc qua các doanh nghiệp khác ngoài tỉnh).
Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị chè, ngoài các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chè, ngành chuyên môn đã và đang triển khai xây dựng, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 cho 14 cơ sở chế biến chè. Ngoài ra, toàn bộ diện tích chè VietGAP, hữu cơ được đưa vào sử dụng phần mềm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cũng như điều hành, phát triển sản xuất.
Để đưa cây chè thực sự là cây trồng hàng hóa chủ lực, cây làm giàu trong phát triển kinh tế, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp áp dụng các quy trình canh tác, đầu tư chăm sóc chè theo chiều sâu, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng, an toàn, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật hiện có trong ngành chè để nâng cao năng suất và chất lượng chè.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh quy hoạch, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu chè gắn với cơ sở chế biến. Khuyến khích nhân dân liên kết, hợp tác theo hình thức nhóm hộ, HTX với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết một cách bền vững. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, như điện, giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển ngành chè. Đặc biệt, áp dụng quy trình canh tác và đầu tư chăm sóc theo chiều sâu; xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hữu cơ; thực hiện các tiêu chuẩn mới trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm chè vừa an toàn, vừa chất lượng gắn với đa dạng hóa các dòng chè nhằm giữ vững thương hiệu và đưa chè Shan tuyết Hà Giang ngày càng vươn xa trên trường quốc tế.
Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm chè hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Quan tâm bảo tồn, khai thác nguồn gen quý chè Shan tuyết Hà Giang và duy trì phát triển các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Nhiều năm nay tỉnh Hà Giang đã tập trung bảo tồn những gốc chè cổ thụ, phát triển chuỗi sản phẩm từ lá chè song song với du lịch sinh thái trải nghiệm. Chè Shan tuyết cũng trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình và du lịch địa phương.