Trà Shan tuyết Suối Giàng “vàng xanh” tinh hoa giữa ngàn mây
Xã Suối Giàng được ví như Sa Pa của tỉnh Yên Bái, bởi khí hậu bốn mùa mát mẻ và trong lành, đây cũng là nơi có hơn 90% dân số là đồng bào người Mông sinh sống.
Nhờ khí hậu, thổ nhương và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Suối Giàng.
Nằm trên độ cao gần 1400 mét so với mực nước biển, Suối Giàng ẩn mình trong những làn sương, đây làm một vùng núi cao với sắc xanh phủ kín, sắc xanh của mây trời và những đồi chè bạt ngàn vút tầm mắt. Xen giữa những miền chè xanh ngắt là thấp thoáng bản người Mông nằm nhỏ bé bình yên bên sườn núi. Người Mông ở đây vẫn giữ được những nét đơn sơ thuần khiết trong phong tục tập quán, văn hóa và kiến trúc, điều này được thể hiện qua các hình ảnh quen thuộc dễ thấy ở bất kỳ đâu trên vùng non cao này. Đó là những nếp nhà mái gỗ, những chiếc váy thêu hoa rực rở trong nắng hè…
Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, cho biết: “Cây chè ở đây gắn bó với đời sống của người Mông từ xã xưa, từ thời Pháp thuộc. Sau khi giải phóng diện tích cây chè chưa nhiều, dần dần diện tích chè ngày càng phát triển. Đến nay, hầu như nhà nào cũng có chè và cây chè đã mang lại chính nguồn thu nhập cho nhiều gia đình, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là thức uống thơm ngon bậc nhất so với các sản phẩm trà shan tuyết trên cả nước. Trong những năm qua để cây trà shan tuyết giữ vững và trở thành thương hiệu, UBND xã cùng đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu trà bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa và phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu trà shan tuyết Suối Giàng ngày càng vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này”.
Nhắc đến Suối Giàng không thể không nhắc tới những cây chè Shan tuyết cổ thụ, những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm. Cây chè không chỉ là nguồn sống mà còn gắn liền với đời sống văn hoá của con người nơi đây.
Người Mông ở đây cũng không ai biết chính xác cây chè có trên vùng cao này từ khi nào chỉ truyền tai nhau một câu chuyện truyền thuyết kể rằng: Xưa kia có một nhóm người dân tộc Mông di cư đến đây thì gặp cảnh loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn, thức uống lại bệnh tật hành hoành. Thấy một loài cây xanh tốt, tán rộng, lá xanh to bằng nửa bàn tay, búp cây ngậm sương trắng như tuyết, họ liền hái lá ăn và cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Ngày này qua ngày khác, họ lấy lá cây đun với nước suối uống, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều khỏe khoắn trở lại. Họ cho rằng, có trời cứu giúp và quyết định ở lại đây với loài cây lạ này. Từ đó, cuộc sống của người Mông gắn với cây chè Shan tuyết cho tới ngày hôm nay.
Đây là giống chè cổ thụ cây cao hơn so với ở các vùng chè khác và ẩn chứa nét gì đó hoang sơ của núi rừng. Chè cổ thụ cao hơn đầu người, cành lá sum suê, thân xù xì, tán xoè rộng. Cây chè ở đây phát triển tự nhiên trong vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, vì thế người dân không cần chăm bón cầu kỳ cây vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc.
Chè Suối Giàng có vị ngọt của dòng nước lành, vị tinh khiết của những hạt sương sớm vùng non cao và vị thơm bùi khó lẫn. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi cây chè là món quà của đất trời ban tặng cho người Mông ở xứ sở này.
Người Mông chăm chỉ chịu khó trồng ngô, trồng lúa, riêng người Mông ở Suối Giàng còn giỏi hái chè, xao chè, bởi cây chè đã sống từ nhiều đời với người dân nơi đây. Suối Giàng độ này đang vào mùa chè, chẳng thế mà cứ lên đến lưng chừng núi là dễ thấy thấp thoáng bóng những cô gái Mông với váy hoa rực rỡ kéo nhau lên núi hái chè. Công việc hái chè nghe tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thật vất vả vô cùng. Những cây chè cao vượt đầu người tán rộng hàng mét, vậy nên để lấy được những búp chè non phải trèo lên cành cao của cây để hái.
Chị Mùa Thị Hằng và các em trong bản đã quen với công việc hái chè từ khi chỉ là những đứa trẻ, chị Hằng tâm sự: “Người mông ở đây rất quan tâm tới cây chè vì nó là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nó cũng gắn bó với người dân từ nhiều đời, nó quen thuộc như cây lúa đối với người dân dưới đồng bằng. Vì thế, người Mông không ai là không biết làm chè và hầu như nhà nào cũng có đồi chè”.
Bởi đã gắn bó với người Mông Suối Giàng từ xa xưa nên người dân nơi đây đã dành cả tình cảm, công sức từ khâu chăm sóc, thu hái cho đến chế biến và bảo quản. Chè hái về rồi lọc lại những búp không bị sâu, không quá già, sau đó mới xao trong chảo gang. Củi dùng xao chè phải thật khô, cháy đượm, giữ lửa cháy nhỏ vừa nhưng phải thật đều. Một số hộ người Mông trên Suối Giàng vẫn giữ cách xao chè truyền thống, dường như hương vị của chè được chính tay người dân xao trên bếp lửa và chảo gang có hương vị đậm đà hơn chăng.
Từ việc xao chè Shan tuyết là bí quyết của người Mông ở Suối Giàng, chẳng dễ gì mà học được, vào vụ chè cả bản tỏa hương thơm ngào ngạt. Chè xao rồi phải vò bằng tay thật khéo, sao cho búp chè săn lại, cá i tài của người xao là phải biết chè xao đến độ nào là vừa đủ. Búp chè Tuyết được chính bàn tay của người Mông ở Suối Giàng chăm chỉ chịu khó chế biến như cuộn hết sự tinh khiết, thanh cao của mây gió, núi ngàn vào trong.
“Làm chè vất vả lắm, đầu tiên là lúc chăm sóc, rồi đi thu hái và về xao chè, phải xao đi xao lại, nhưng bù lại chè ở Suối Giàng lại rất sạch và thơm ngon hơn nhiều vùng chè khác. Bởi khí hậu và đất trên này phù hợp để trồng chè và cũng chỉ khi trồng chè ở đây thì chè mới thực sự ngon đúng hương vị của nó” - Chị mùa Thị Hằng chia sẻ.
Bút chè non sao lên được pha với nước suối đun sôi hương thơm tỏa nồng đượm, uống vào thấy đọng mãi vị ngọt trên đầu lưỡi, cũng chỉ có người Mông Suối Giàng mới biết cách pha chè Shan tuyết ngon đúng vị. Khi pha chè, người Mông ở đây phải dùng nước nguồn trên núi thì chén trà mới có hương vị đậm đà và màu sắc tươi hơn.
Dùng nước sôi tráng qua một lượt để cánh chè giãn da, loại bỏ chút bụi còn vương lại chế nước sôi đầy ấm rồi mới đậy nắp chừng vài phút. Trong mây núi Suối Giàng nhấp chén trà xanh cảm nhận vị ngọt đượm, chan chát nồng nàn lan tỏa trong không gian dễ khiến người ta có cảm giác lâng lâng khó tả giữa cảnh sắc núi rừng thiên nhiên và chút hơi sương lãng đãng mát lành.
Hiện cả xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao./.
PHI LONG/VPTB